Cần tập hợp các nguồn lực, xây dựng chiến lược khả thi để tháo gỡ “nút thắt” nhà ở cho công nhân, vì nhiều lợi ích trong tương lai
Dịch Covid-19 bùng phát, tỉ lệ lây nhiễm rất cao tại các khu nhà trọ và làn sóng hồi hương của người lao động thời gian qua đã đặt ra cho cơ quan chức năng, doanh nghiệp (DN) thêm mục tiêu chăm sóc an sinh xã hội tốt hơn để thu hút, giữ chân lực lượng nhân sự làm việc lâu dài, mà ưu tiên hàng đầu là nơi ở.
Không “an cư”, khó “lạc nghiệp”
Theo kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2019, tỉ lệ công nhân (CN) là người ngoại tỉnh làm việc trong các KCN-KCX ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm trên 50%. Riêng TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương, lao động nhập cư chiếm tới 70% tổng số lao động trong các KCN.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhà ở cho CN không theo kịp tốc độ phát triển của các KCX-KCN, chỉ mới đáp ứng chưa tới 30% nhu cầu. Việc phát triển nhà ở, ký túc xá cho CN còn chậm vì vướng mắc thủ tục, chính sách, hạn chế về quỹ đất và không có nhiều DN quan tâm tham gia đầu tư do lợi nhuận thấp.
Công nhân một công ty trên địa bàn quận Bình Tân, TP HCM giờ tan ca. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thực tế, quỹ đất ở các địa phương, nhất là đại đô thị như TP HCM, đã và đang được lấp đầy nhanh chóng. Các DN, công ty muốn có đất gần nơi sản xuất để tập trung CN là không đơn giản. Không phải tỉnh, thành nào cũng có sẵn quỹ đất riêng biệt để xây nhà cho CN và người thu nhập thấp, mà chỉ có quy định khu tái định cư cho các dự án. Do đó, quỹ đất là một thách thức vô cùng lớn, cần phải tìm giải pháp để tháo gỡ.
Bên cạnh đó, việc mua nhà ở thương mại là nằm ngoài tầm tay CN, chỉ có thể kỳ vọng vào nhà ở xã hội. Song, biên lợi nhuận cho phân khúc nhà ở này thấp, nhà đầu tư không mặn mà, chưa kể thiếu hụt nguồn vốn và nhiều thủ tục hành chính, quy định pháp lý khác. Việc hình thành các khu nhà ở CN đạt chất lượng đi kèm hạ tầng và tiện ích hỗ trợ như trường học, trạm y tế, nhà trẻ… vẫn còn nhiều gian truân.
Hệ lụy là khi đại dịch ập đến, sự thiếu hụt hệ thống nhà ở cho CN khiến việc thiết lập hàng rào ngăn dịch bệnh tấn công các KCN trở nên tốn kém và chưa đạt hiệu quả. Giải pháp sản xuất “3 tại chỗ” cũng khó bảo đảm tuyệt đối an toàn dù chi phí rất lớn.
Huy động nhiều nguồn lực
Xây dựng nhà ở xã hội với những quy chuẩn hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ để phục vụ CN làm việc tại các KCN-KCX là vấn đề cấp thiết và mang tính đa mục tiêu, vì lợi ích phát triển lâu dài.
Điều này đòi hỏi nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của mỗi DN và tầm nhìn của nhiều thành phần kinh tế khác.
Thứ nhất, để giải quyết nhà ở cho CN và người thu nhập thấp trong bối cảnh hiện nay thì việc hình thành quỹ đất là ưu tiên hàng đầu.
Việc hình thành các khu đô thị vệ tinh ở các quận, huyện ngoại thành là một hướng khả thi. Chẳng hạn, TP HCM có thể hình thành các khu vực dân cư kết hợp với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở các huyện Hóc Môn, Củ Chi.
Thứ hai, nhà nước cần mạnh tay chấn chỉnh cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội còn bất cập; tăng cường quản lý chặt chẽ việc mua bán nhà ở xã hội đúng giá, đúng đối tượng.
Mặt khác, những gói vay ưu đãi cũng là lối thoát giúp CN có thể vay với lãi suất thấp để mua nhà ở xã hội theo hình thức trả góp.
DN sử dụng lao động cần tham gia hỗ trợ cùng chính quyền thông qua các hình thức như bảo lãnh mua trả chậm hoặc ký hợp đồng mua hay thuê dài hạn rồi hỗ trợ lại cho CN thuê.
Thứ ba, bên cạnh việc áp dụng các mô hình quy hoạch và kiến trúc đặt lợi ích con người và môi trường làm trung tâm, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong việc hình thành chuỗi tuần hoàn năng lượng – nước – thực phẩm sẽ giúp bảo đảm tính chống chịu và thích ứng của khu dân cư trước những sự kiện khó lường trong bối cảnh dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Một số ý tưởng trong kinh tế tuần hoàn có tính khả thi cao, như thu gom nước mưa, nước thải sinh hoạt để xử lý và tái sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt và canh tác nông nghiệp; thu gom chất thải hữu cơ để xử lý nhằm thu hồi khí gas sinh học phục vụ nhu cầu nấu nướng và chạy máy phát điện, cũng như sản xuất phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc than sinh học cung ứng cho quá trình xử lý nước thải.
Ngoài ra, việc ứng dụng năng lượng mặt trời áp mái lắp đặt trong các khu vực dân cư và sản xuất nông nghiệp là giải pháp bền vững giúp giảm sự phụ thuộc của khu dân cư vào nguồn điện lưới quốc gia.
Cung cấp nguồn rau xanh cho thành phố
Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, do đó sản lượng rau sạch cung ứng cũng suy giảm theo. Việc hình thành khu dân cư kết hợp nông nghiệp công nghệ cao sẽ giải quyết được vấn đề.
Cụ thể, áp dụng các mô hình canh tác thẳng đứng, mô hình thủy canh, nhà kính… tạo ra sản lượng cao gấp nhiều lần phương pháp truyền thống trên cùng một diện tích canh tác.
Bài viết được đăng trên Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-10