Hệ thống kinh tế hiện tại đã thành công trong việc tạo ra sản lượng kinh tế chưa từng có. Tuy nhiên, hơn 70% chúng ta bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng bất bình đẳng, một phần ba đất đai trên thế giới bị suy thoái nghiêm trọng, và lên đến 1 triệu loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. Hơn một nửa GDP của thế giới (44 nghìn tỷ đô la) đang bị đe dọa bởi sự mất mát thiên nhiên này. Do vậy, chúng ta cần nhìn nhận sâu sắc về hệ thống kinh tế hiện tại.

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi tới một nền kinh tế tích cực hơn với khí hậu và thiên nhiên, Hoàng thân xứ Wales đã thành lập “Liên minh Kinh tế Sinh học Tuần hoàn”. Các hoạt động của Liên minh được xác định bởi một Kế hoạch Hành động gồm 10 điểm, và cùng phối hợp với các bên liên quan với mục tiêu đặt thiên nhiên trở lại vị trí trung tâm của nền kinh tế.

Một khuôn khổ mới

Kinh tế sinh học tuần hoàn cung cấp một khuôn khổ khái niệm cho việc sử dụng tài nguyên tự nhiên tái tạo nhằm chuyển đổi phương pháp quản lý đất đai, thực phẩm, y tế và hệ thống công nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững cùng thiên nhiên.

Mặc dù kinh tế sinh học tuần hoàn rất công nghệ tiên tiến và kiến ​​thức truyền thống, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự đa dạng sinh học. Chúng ta cần nhận thức về tầm quan trọng này không chỉ thông qua biện pháp bảo tồn, mà còn thông qua các sáng kiến mới trên thị trường nhằm khuyến khích nông dân, chủ rừng và các công ty sinh học đầu tư vào đa dạng sinh học.

Tài nguyên sinh học là trung tâm của nền kinh tế sinh học tuần hoàn

Hướng tới một nền kinh tế lành mạnh với thiên nhiên không chỉ thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo, mà còn chuyển sang các vật liệu không có hóa thạch, và thay thế bằng các sản phẩm có cường độ carbon thấp hơn.

Sự thay đổi này mở ra một cơ hội để hiện đại hóa và thúc đẩy các ngành công nghiệp trở nên tuần hoàn hơn. Các nguồn tài nguyên sinh học có thể tái tạo (như tài nguyên rừng), nếu được quản lý bền vững, có tính chất tuần hoàn, sẽ dễ tái sản xuất hơn. Thật vậy, lâm nghiệp bền vững và các sản phẩm từ gỗ là cơ sở cho nền kinh tế tuần hoàn đầu tiên trên thế giới. Một số lĩnh vực quan trọng khác như hóa chất, dệt may, nhựa, và xây dựng cũng cần các mô hình kinh doanh “đổi mới sáng tạo” để trở thành các ngành công nghiệp có quy mô tuần hoàn và ít carbon hơn. Do vậy, nền kinh tế sinh học tuần hoàn được xem là một chất xúc tác hiệu quả.

Cơ hội giải quyết bất bình đẳng

Một trong những thách thức của xã hội là giải quyết tình trạng bất bình đẳng và đảm bảo sự phát triển đồng đều, bao gồm cả việc làm và cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa.

Cách thức sở hữu và phân phối tài nguyên sinh học và thậm chí những khó khăn liên quan đến việc huy động, vận chuyển và chế biến chúng cũng mang lại những cơ hội tiềm năng về kinh tế. Ví dụ, tài nguyên rừng ở Châu Âu chiếm hơn 40% diện tích đất và thuộc sở hữu của khoảng 16 triệu chủ rừng. Các ngành công nghiệp phụ thuộc vào rừng hiện có khoảng 400.000 công ty (chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ) và cung cấp hơn 3 triệu việc làm. Đây là cơ sở hạ tầng sinh thái – xã hội rất có giá trị cần được ghi nhận và nuôi dưỡng.

Dịch bởi THS. Lê Bá Nhật Minh

Theo nguồn: https://www.weforum.org/agenda/2020/10/circular-bioeconomy-nature-reset/