Chiều ngày 06/10/2022, Webinar “Vai trò kinh tế tuần hoàn hoàn trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương” đã diễn ra với sự tham gia của 50 khách mời, đại biểu.
Nhằm hướng tới Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ V năm 2022 với chủ đề “Trí thức trẻ thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần phục hồi phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch”, Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tuần hoàn ĐHQG-HCM, Đoàn Cơ quan ĐHQG-HCM, và Phân hiệu ĐHQG- HCM phối hợp tổ chức hội thảo “Vai trò của kinh tế tuần hoàn trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương”, chương trình còn có sự đồng hành của Mạng lưới Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu, và Câu lạc bộ trí thức trẻ tỉnh Bến Tre.
Trong những năm gần đây, việc khai thác quá mức tài nguyên, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa gia tăng, cùng với lối sống hiện đại, sử dụng nhiều năng lượng đã dẫn đến gia tăng phát thải khí nhà kính, đã và đang gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho môi trường và con người. Do vậy, phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) là tất yếu và phù hợp với xu hướng. Tại Việt Nam, KTTH đã được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 (hiệu lực năm 2022), và Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào 07/2022). Đặc biệt, trong “Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể”, Đề án đã nêu ra “Xây dựng kế hoạch phát tiển KTTH riêng hoặc lồng ghép việc thực hiện phát triển KTTH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hoặc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”. Điều này cho thấy, sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc chủ động phát triển KTTH ở nhiều cấp độ khác nhau, trong đó có cấp độ địa phương.
ThS. Lê Minh Phượng – Chuyên gia phát triển dự án NDA Group trình bày tham luận “Đô thị tuần hoàn – trường hợp của thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và một số bài học kinh nghiệm quốc tế”
Theo các diễn giả, tiềm năng ứng dụng KTTH vào trong các ngành, lĩnh vực là rất lớn. Trong ngành nông nghiệp, khối lượng phụ phẩm được ước tính: từ lúa 55,6 triệu tấn, từ tôm 314 nghìn tấn, từ cá tra 994 nghìn tấn, từ trái cây 4,4 triệu tấn, từ chăn nuôi 74 triệu tấn. Điều này dẫn đến các mô hình tuần hoàn tiềm năng như tận dụng rơm rạ cho trông nấm và sản xuất phân bón, mô hình nuôi ruồi lính đen xử lý phụ phẩm từ xoài,… Ngoài ra, KTTH được xem như một trong những giải pháp hiệu quả cho các vấn đề tồn đọn trong nông nghiệp của Đồng bằng song Cửu Long như thâm dụng nguồn lực đầu vào gây cạn kiệt tài nguyên và ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Cùng với đó, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi, áp dụng và vận hành các mô hình kinh doanh tuần hoàn. Tuy nhiên, thực trạng ở Việt Nam, mực độ áp dụng kinh doanh tuần hoàn tương đối thấp; và tỷ lệ các doanh nghiệp chưa từng áp dụng bất kỳ hình thức đổi mới mô hình kinh doanh và/hoặc mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn nào chiếm đến 37,6%. Do vậy, các diễn giả đã đề suất một số giải pháp cho các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể tập trung tăng cường nhận thức, hoàn thiện khung pháp luật, phát triển khoa học công nghệ, và xây dựng bộ tiêu chuẩn và khung hướng dẫn.
Để kết luận Hội thảo, các diễn giả đều đồng ý rằng cần có sự phối hợp giữa khu vực công, viện trường, doanh nghiệp, và kể cả người dân trong việc thúc đẩy phát triển KTTH hiệu quả và thực chất nhằm đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương.