Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh quá trình chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải đang được thúc đẩy mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” (Netzero) vào năm 2050. Một năm sau đó tại COP27, Việt Nam đã nộp bản cập nhật “Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định” (NDC). So với NDC năm 2020, NDC năm 2022 đã tăng mức giảm phát thải đến năm 2030 từ 9% lên 15,8% với nguồn lực trong nước và từ 27% lên 43,5% với sự hỗ trợ của quốc tế (so với kịch bản phát triển thông thường BAU). Buổi tọa đàm với 2 phần nội dung chính, đã thu hút sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp.
Phần 1: Chia sẻ các kết quả nghiên cứu của Dự án “Đối tác đa bên hướng tới 100% năng lượng tái tạo (NLTT) góp phần thực hiện NDC” và cập nhật kinh nghiệm quốc tế về các giải pháp chuyển dịch năng lượng góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam về Netzero vào năm 2050.
Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-HCM phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-HCM cho biết: “Trong những năm qua, VCCI cùng với các đối tác trong nước và quốc tế đã có nhiều hoạt động, chương trình, dự án hỗ trợ cộng đồng và doanh nghiệp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Trong đó, dự án ‘Đối tác đa bên hướng tới 100% năng lượng tái tạo góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)’ do Chính phủ Đức tài trợ và được triển khai đồng thời tại Việt Nam, Uganda và Nepal”.
Phần trình bày trực tuyến của bà Corinne Kowalski, WWF – Đức
Bà Corinne Kowalski, WWF – Đức chia sẻ về Xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới hiện nay. Theo bà, có 5 xu hướng lớn trong thời gian tới:
- Chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
- Năng lượng tái tạo là tương lai tất yếu.
- Năng lượng sẽ được phân bổ và mở ra cơ hội cho một thế giới công bằng hơn.
- Sự chuyển dịch năng lượng sang điện năng.
- Sự cần đến khí hydro trong chuyển dịch năng lượng – cho những “nhiệm vụ đặc biệt”.
WWF đưa ra tầm nhìn đến 2030, đặt mục tiêu năng lượng tái tạo sẽ tăng gấp 3 (11.000 GW) và hiệu quả năng lượng sẽ tăng gấp 2 lần.
Ông Đinh Thái Hưng, Điều phối viên cao cấp của NDCP (đối tác NDC), GIZ Việt Nam đã có phần giới thiệu về NDCP và cập nhật tình hình thực hiện NDC và cam kết hướng tới phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam. Đối tác NDC tập hợp hơn 200 thành viên, bao gồm hơn 120 quốc gia phát triển và đang phát triển, cùng hơn 80 tổ chức nhằm xây dựng và thực hiện các hành động khí hậu đầy tham vọng giúp đạt được Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Ông Đinh Thái Hưng, Điều phối viên cao cấp của NDCP
Theo ông Hưng chia sẻ, có 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện cấp bách:
- Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phục vụ chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.
- Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế thu hút nguồn lực, nhất là nguồn lực hợp tác công – tư, nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển xanh, tăng trưởng xanh.
- Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, cụ thể là chế tạo các trang thiết bị công nghệ để sản xuất năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối, hydro xanh, vật liệu xây dựng xanh.
- Xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, quy định, phương pháp quản trị, quản lý phát triển xanh.
- Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ phục vụ phát triển xanh.
Đại diện WWF Việt Nam, ông Nguyễn Thành Trung đã có phần chia sẻ kết quả chính “Báo cáo Tầm nhìn ngành Năng lượng Việt Nam: Hướng tới 100% Năng lượng tái tạo vào năm 2050” và “Báo cáo khuyến nghị thực hiện lộ trình chuyển dịch năng lượng”.
Ông Nguyễn Thành Trung, đại diện WWF Việt Nam
Ông Trung cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, việc phát triển lưới điện truyền tải chỉ hoàn thành 70 – 90% theo chỉ tiêu Quy hoạch điện 7 bởi khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thiếu đầu tư. Trong khi đó, chúng ta cũng đã phải thực hiện cắt giảm năng lượng tái tạo do quá tải đường dây truyền tải điện.
“Năm 2020, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất nguồn điện của Việt nam xấp xỉ 30% nhưng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện chỉ bằng 12% sản lượng điện quốc gia”, ông Trung chia sẻ. Ngoài ra, cho tới nay cũng chưa có hệ thống lưu trữ năng lượng nào đi vào hoạt động,
Trước thực trạng này, các chuyên gia kiến nghị cơ quan chức năng, các Bộ, ngành cần nhanh chóng có những chính sách phù hợp, nhất quán để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Trong đó, WWF Việt Nam kiến nghị cần sớm sửa đổi, điều chỉnh Luật Rừng, Đất đai, Biển và các nghị quyết, nghị định liên quan đến định giá đất, chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp sang đất năng lượng. Đồng thời, điều chỉnh Luật Điện lực để cho phép các nhà đầu tư năng lượng tái tạo tư nhân tham gia xây dựng và phát triển lưới điện truyền tải.
Ngoài ra, cũng cần thúc đẩy R&D trong công nghệ lưu trữ năng lượng (Thủy điện tích năng và BESS); xây dựng các lựa chọn tài chính cho việc thúc đẩy các hệ thống và công nghệ lưu trữ năng lượng ở Việt Nam.
Ông Phạm Đăng An, GĐ VP Carbon Solutions, P.TGĐ Vũ Phong Energy Group
“Trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất đang đứng trước áp lực rất lớn do yêu cầu về giảm phát thải từ các thị trường quốc tế lớn, điển hình như Cơ chế CBAM, Chỉ thị CSRD của EU…, sự chuyển dịch năng lượng với các cam kết về 100% NLTT đang được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các tập đoàn, công ty toàn cầu, việc sử dụng NLTT kết hợp chứng chỉ RECs có thể được coi là giải pháp năng lượng song song.” Đây là chia sẻ của ông Phạm Đăng An, GĐ VP Carbon Solutions, P.TGĐ Vũ Phong Energy Group.
Ông Richard Scotney, Chuyên gia WWF – Campuchia
Các khía cạnh kỹ thuật, tài chính và sử dụng năng lượng hiệu quả cũng là một trong các giải pháp được các chuyên gia, ông Shoon So Oo – Chuyên gia năng lượng quốc tế và ông Richard Scotney, Chuyên gia WWF – Campuchia chia sẻ.
Ông Shoon So Oo – Chuyên gia năng lượng quốc tế
Phần 2: Tọa đàm Lộ trình chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải các-bon
Phần tọa đàm được điều phối bởi bà Phạm Cẩm Nhung, Trưởng nhóm Khí hậu và Năng lượng – WWF-Việt Nam, với sự tham gia thảo luận của 5 khách mời:
- Ông Nguyễn Hữu Nam, PGĐ VCCI-HCM
- Ông Richard Scotney, Chuyên gia WWF – Campuchia
- Ông PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM
- Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, Giám đốc điều hành Công ty CP Phong điện Thuận Bình
- Ông Nguyễn Duy Thịnh, GĐ Kinh doanh và Phát triển, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK)
Từ trái qua: bà Phạm Cẩm Nhung, ông Richard Scotney, ông Bùi Văn Thịnh, ông Nguyễn Hữu Nam, ông Nguyễn Hồng Quân, ông Nguyễn Duy Thịnh
Ông Richard Scotney, chuyên gia tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả của WWF cho biết, trước mắt, một hành động nhỏ của mỗi người cũng góp phần lớn lao giúp chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Đó là tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng các thiết bị tiêu tốn ít năng lượng. Ví dụ, điều hòa tiêu tốn năng lượng gấp 50 lần quạt. Vì thế, ông kêu gọi: “Hãy dùng quạt, nếu có thể”.
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, Giám đốc điều hành Công ty CP Phong điện Thuận Bình đồng tình với lời kêu gọi này. Theo ông, với chỉ tiêu “nhân 3 năng lượng tái tạo và nhân đôi hiệu quả sử dụng năng lượng” mà WWF nêu ra, thì Việt Nam nên tập trung vào việc “nhân đôi hiệu quả sử dụng” hơn, vì “Hiện nay tỷ trọng năng lượng tái tạo vẫn chưa nhiều lắm mà hệ thống truyền tải điện đã ‘chới với’ rồi”.
Theo ông, tăng khối lượng năng lượng tái tạo lên thì rất tốn kém, khó khăn. Năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng lưới điện không theo kịp. Bởi vậy, cốt lõi giải pháp hiện nay vẫn là làm sao để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. “Chưa cần tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, chỉ cần ‘gấp đôi hiệu quả’ đã là hạnh phúc lắm rồi”, ông nói.
Chia sẻ về sự kết hợp giữa kinh tế tuần hoàn vào phát triển năng lượng tái tạo hiện nay, PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết: Điều quan trọng nhất là việc kết nối năng lượng tái tạo với các ngành nghề khác để tạo ra nhiều giá trị cho doanh nghiệp và xã hội. Chúng ta phải tạo ra những mô hình kinh doanh có tính chất các bên cùng thắng (win – win nhiều bên), tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, cho môi trường,v.v… Đó là những giá trị được tích hợp thêm vào và tổng giá trị sẽ được cân bằng và chia sẻ lại cho các bên. Theo ông, đó là cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn hiện nay.
Về khó khăn trong quá trình làm năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Duy Thịnh, GĐ Kinh doanh và Phát triển, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK) chia sẻ: Chúng tôi làm năng lượng mặt trời 17 năm và giai đoạn gần đây chúng tôi vướng rất nhiều hành lang pháp lý. Về sản xuất, chúng tôi hiện tại sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời và gặp phải sự cạnh tranh chi phí từ các tấm pin Trung Quốc. Ở thị trường Việt Nam, chúng tôi chưa có sự hỗ trợ nào về bảo hộ thương mại dành cho các doanh nghiệp tự sản xuất.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc VCCI-HCM, đánh giá, mục tiêu đến năm 2030 điện năng lượng mặt trời chiếm tỉ trọng từ 30-40% và năm 2050 chiếm tỷ trọng 60-70% theo quy hoạch là một mục tiêu rất tham vọng. Và yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu này là các cơ chế chính sách. Cơ chế chính sách cần thông thoáng, hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho doanh nghiệp phát triển. Đó sẽ là mấu chốt để thành công cho quy hoạch.
Ông Nam cho rằng, hạt nhân thực hiện mục tiêu này chính là các doanh nghiệp. Mức độ tỷ trọng năng lượng tái tạo cao như kể trên là một thử thách, thậm chí đối với cả các nước phát triển chứ không chỉ với Việt Nam.
Các diễn giả, khách mời chụp hình lưu niệm