Ngày 16/09/2022, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân đã trình bày trong khuôn khổ “Diễn đàn công nghệ và năng lượng Việt Nam năm 2022” do Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, năng lượng tái tạo (NLTT) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững, nhưng phát triển NLTT đơn thuần vẫn có thể gây tác động xấu đến môi trường do nhu cầu khai thác vật liệu, sản xuất, sử dụng hay ngừng hoạt động của các công nghệ liên quan. Cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn (KTTH) sẽ hỗ trợ phát triển NLTT một cách mạnh mẽ, giúp các thiết bị trong phát triển NLTT đạt được chu kỳ phát thải mức thấp nhất, giảm thiểu chất thải, đồng thời hỗ trợ tiến đến đạt được trung hoà carbon vào năm 2050.

“Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn gắn với NLTT không chỉ giải quyết vấn đề về giảm phát thải khí nhà kính mà còn đóng góp vào nền kinh tế một số khía cạnh sau: Thứ nhất, có thể tái chế một số vật liệu quý hiếm trong sản xuất thiết bị NLTT. Thứ hai, sử dụng các vật liệu carbon thấp tuần hoàn. Thứ ba, thiết kế những hệ thống có thể tuần hoàn. Vì vậy cốt lõi của quá trình chuyển đổi năng lượng không chỉ là việc chuyển đổi, thoát khỏi việc sử dụng các nguồn nguyên liệu hoá thạch mà còn bảo đảm được thực hiện một cách ít lạm dụng nhất đến tài nguyên và môi trường”.

Phát triển NLTT không chắc chắn là phát triển xanh, nhưng nếu được kết hợp với KTTH thì có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ thiên nhiên.

Hiện nay, Chính phủ cũng đang xây dựng các mục tiêu và chiến lược dài hạn để phát triển NLTT dựa trên nền KTTH. Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, vừa qua, Quyết định 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển KTTH cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc hỗ trợ nền kinh tế phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và hỗ trợ một môi trường, xã hội lành mạnh, tốt đẹp cho tất cả mọi người.

Nguồn: Chinhphu.vn

Bài phát biểu của PGS.TS. nguyễn hồng quân

Kính thưa toàn thể chủ tọa đoàn (thứ trưởng Đặng Hoàng An), điều phối viên (TS. Võ Trí Thành) và toàn thể Quý vị.

Trước tiên, tôi xin gủi lời chào trân trọng đến toàn thể Quý vị tham gia diễn đàn hôm nay.

Tôi tên là Nguyễn Hồng Quân, hiện là Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, ĐH. Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. Tôi xin gửi lời cám ơn Ban tổ chức đã cho phép tôi được tham gia trình bày tại diễn đàn hôm nay.

Báo cáo của tôi là kết quả của 2 công trình đang được tôi và các đồng nghiệp thực hiện:

  1. Chương sách “CIRCULAR ECONOMY AND RENEWABLE ENERGY: A GLOBAL POLICY OVERVIEW” thuộc sách sẽ được nhà xuất bản Springer xuất bản vào đầu năm sau.
  2. Tóm lược chính sách hướng dẫn lồng ghép Kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch (kinh tế xã hội) địa phương ở Việt Nam (dự kiến công bố trong tháng 10). Trong đó bao gồm lồng ghép Kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực năng lượng.

Kính thưa Quý vị

Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Vương quốc Anh đã mang lại hy vọng lớn cho nhân loại để giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 1,50C và đạt phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này với những cam kết đầy hứa hẹn của các nhà lãnh đạo toàn cầu. Tính tới nay, đã có 137 quốc gia đưa ra cam kết về phát thải ròng bằng 0; 77 quốc gia, địa phương và tập đoàn tham gia ký Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi từ điện than sang điện sạch, 45 quốc gia cam kết chuyển đổi sang đầu tư nông nghiệp Xanh, bền vững, nhiều hãng xe ô tô tuyên bố ngừng sản xuất xe chạy bằng xăng dầu muộn nhất vào 2040; Mỹ và Trung Quốc ra Tuyên bố chung về hợp tác chống biến đổi khí hậu…

Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã khẳng định vị trí của những người “tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu” khi đưa ra các cam kết tham vọng về mục tiêu “đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050”. Trong đó việc Việt Nam lọt vào Top 10 quốc gia sử dụng năng lượng tái tạo nhiều nhất thế giới theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế thể hiện một nỗ lực đáng kể của Việt Nam.

KTTH đã và đang là một chủ trương của Đảng và nhà nước, phù hợp xu thế của thế giới vì có tác động trực tiếp 11/17 mục tiêu phát triển bền vững (bao gồm mục tiêu giảm thiểu và ứng phó biến đổi khí hậu) và tác động gián tiếp một số mục tiêu khác. Theo ước tính của Quỹ Ellen Mac Arthur thì KTTH có góp phần đóng góp 45% trên tổng số 100% giảm phát thải Carbon mà Hội nghị COP26 đề ra (55% từ NLTT).

“KTTH là một hệ thống kinh tế phát triển trên nền tảng các mô hình kinh doanh (business model). Trong đó, khái niệm kết thúc vòng đời được thay thế bằng việc giảm sử dụng, sử dụng lại, tái chế và phục hồi vật liệu trong quá trình sản xuất, phân bố và tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, nền KTTH sẽ áp dụng ở các cấp độ nhỏ (sản xuất, công ty, người tiêu dùng), vừa (khu công nghiệp sinh thái), lớn (thành phố, vùng, quốc gia và xuyên quốc gia). Nền kinh tế tuần hoàn hướng đến sự phát triển bền vững trong đó tạo chất lượng môi trường, kinh tế sung túc, công bằng xã hội. Tất cả cùng mang lại lợi ích cho thế hiện hiện tại và tương lai”

Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia Tp. HCM mong muốn góp phần thúc đẩy nền kinh tế quốc gia chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) trên cơ sở cung cấp kiến thức và giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chính sách để phát triển mô hình này. ICED xây dựng và phát triển trên cơ sở nghiên cứu tổng hợp liên ngành, hợp tác với các bên có liên quan (đặc biệt với nhà nước, doanh nghiệp và các bên có liên quan) nhằm đóng góp vào quá trình đổi mới và phát triển kinh tế bền vững của đất nước.

Kết quả nghiên cứu gần đây của nhóm nghiên cứu Viện nghiên cứu Phát triển  Kinh tế tuần hoàn cho thấy Năng lượng tái tạo (NLTT) đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, phát triển NLTT có thể tác động nghiêm trọng đến môi trường do nhu cầu khai thác vật liệu, sản xuất, sử dụng (lắp đặt, vận hành), và ngừng hoạt động của các công nghệ NLTT. Cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn (KTTH) có thể hỗ trợ phát triển NLTT một cách mạnh mẽ đồng thời tiến đến đạt được trung hòa carbon vào năm 2050.

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, vật liệu, bộ phận và thiết bị NLTT có nhiều vòng đời, điều này cũng có nghĩa là cung cấp chuỗi cung ứng vật liệu phát thải KNK thấp, giảm chất thải và tạo ra lợi ích tối ưu cho cộng đồng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch hơn. Các chiến lược KTTH sẽ loại bỏ chất thải ra khỏi lựa chọn chôn lấp, giảm nhu cầu về nguyên liệu cho sản xuất thiết bị năng lượng và cũng có thể tạo ra khoảng 4,5 nghìn tỷ USD sản lượng kinh tế bổ sung vào năm 2030.

Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn gắn với năng lượng tái tạo không chỉ giải quyết vấn đề phát thải KNK mà còn đóng góp vào nền kinh tế. Trong đó có 3 khía cạnh: (1) tái chế các vật liệu quý hiếm được sử dụng trong sản xuất thiết bị NLTT; (2) sử dụng vật liệu carbon thấp, tuần hoàn; và (3) thiết kế hệ thống tuần hoàn. Vì vậy, cốt lõi của quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ không chỉ là chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch mà còn đảm bảo nó được thực hiện theo cách ít lạm dụng nhất có thể về tài nguyên và môi trường.

Cuối cùng, bên cạnh cần có những chính sách xử lý, tái tạo, tái sử dụng vật liệu sử dụng năng lượng tái tạo như đã đề cập ở trên.  Mô hình kinh tế tuần hoàn trong NLTT cũng cần được lồng ghép vào các mô hình kinh doanh tương ứng của các lĩnh vực khác nhau (nông nghiệp, phát triển đô thị, giao thông vận tải). Trong đó cần thúc đẩy các công nghệ tiên tiến như thu năng lượng, lưu trữ (bao gồm hydro), phát triển năng lượng sinh khối cùng với các giải pháp truyền thống (gió, năng lượng mặt trời) để có thể lồng ghép phát triển năng lượng tái tạo với các ngành, lĩnh vực và vận hành một cách bền vững.

Trên đây là tóm tắt bài phát biểu của Tôi, kính chúc Quý vị và gia đình mạnh khỏe, an lành. Xin chân thành cảm ơn.