Tác giả: Jonas Grafstrom và Siri Aasma

Bốn (4) rào cản chính ảnh hưởng đến việc thực hiện và phát triển theo mô hình KTTH được xác định đó là công nghệ, thị trường/kinh tế, thể chế/quy định và xã hội/văn hóa.

Khung phân tích các rào cản và sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng tập trung vào thị trường cho vật liệu nguyên sinh/thô và tái chế được xây dựng như Hình 1. Khung phân tích cung cấp góc nhìn tổng quan về một vòng lặp tiêu cực hình thành từ các rào cản này nhằm cản trở việc thúc đẩy KTTH và cách mà từng rào cản ảnh hưởng đến sự hình thành hệ thống KTTH. Trong đó, các rào cản về công nghệ chủ yếu đến từ việc thiết kế sản phẩm hiện tại không phù hợp cho quy trình tái chế, tái sử dụng hoặc tái sản xuất sau đó (Masi và đồng sự, 2018; Vanner và đồng sự, 2014). Hơn nữa, việc phân loại rác thải và cơ sở hạ tầng cho việc quản lý chất thải vẫn còn rất hạn chế ở nhiều quốc gia, điều này dẫn đến chất lượng nguyên liệu tái chế không tốt như nguyên liệu thô (Millos và đồng sự, 2018). Việc thiếu hệ thống công nghệ thông tin để đánh giá và đo lường tiến độ công việc cũng là một yếu tố đáng cân nhắc khi nền kinh tế dịch vụ đang được đẩy mạnh (de Jesus và Mendonca, 2018). Các yếu tố thị trường/kinh tế có ảnh hưởng đến sự thực hiện theo KTTH bao gồm những thiếu hụt về tài chính và nguồn quỹ đầu tư cho các mô hình kinh doanh theo KTTH, bên cạnh đó, giá thành cho nguyên liệu thô vẫn thấp và nguồn cung thì dễ dàng và dồi dào hơn nhiều so với nguồn nguyên liệu tái chế (Preston, 2012; Akesson, 2014). Ngoài ra, các rào cản về thể chế liên quan đến các hệ thống quy định chưa có sự thay đổi và còn ưu tiên các hoạt động trong nền kinh tế tuyến tính. Còn về rào cản xã hội, văn hóa công ty, nhận thức của người tiêu dùng và sự hợp tác xuyên suốt chuỗi cung ứng là các yếu tố quan trọng gây trở ngại cho việc thúc đẩy KTTH.

Hình 1. Các rào cản ảnh hưởng đến việc tiến hành theo mô hình KTTH. Mũi tên xanh chỉ chu trình khép kín như mong muốn, mũi tên đỏ chỉ chu trình hiện tại và các trở ngại.

Việc triển khai thực tế của mô hình KTTH có thể được chia thành các sáng kiến ​​ở ba (3) cấp độ: cấp vi mô, cấp trung mô và cấp vĩ mô (Masi và cộng sự, 2018): Cấp vi mô đề cập đến các sáng kiến ​​cụ thể của doanh nghiệp, nổi bật là Nguyên tắc 3R: Giảm thiểu, Tái sử dụng và Tái chế. Ở cấp trung mô hoặc cấp liên công ty, có thể tìm thấy các sáng kiến ​​liên quan đến hợp tác xuyên chuỗi và xuyên ngành. Các sáng kiến ​​như khu công nghiệp sinh thái, nơi các doanh nghiệp hợp tác để sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Sáng kiến ​​ở cấp độ vĩ mô là các hoạt động được thực hiện bởi các chính phủ và các nhà hoạch định chính sách (Masi và cộng sự, 2018).

Do đó, để hướng đến việc tiến hành KTTH hiệu quả cần áp dụng đồng thời chiến lược từ trên xuống và từ dưới lên để thu hút sự tham gia của tất cả các bên liên quan, tức là các nhà hoạch định chính sách, cơ quan chính phủ, ngành sản xuất, các ngành công nghiệp và các công ty riêng lẻ. Mặc dù nền KTTH khác với nền kinh tế “tuyến tính” truyền thống, phân tích lý thuyết trong nghiên cứu này không nói lên rằng một nền KTTH sẽ không tuân theo các quy tắc tương tự như kinh tế truyền thống. Sẽ có các quyền tài sản, các quy định và giá cả sẽ định hướng nền kinh tế. Để phá vỡ rào cản, đơn vị thực hiện nên bắt đầu bằng việc phân tích điểm khác biệt trong bối cảnh quốc gia trước. Khung đề xuất trong Hình 1 đưa ra hướng dẫn ban đầu theo ngữ cảnh để hỗ trợ việc phân tích này. Các nhà hoạch định chính sách nên đẩy mạnh việc gỡ bỏ các rào cản nếu họ muốn kích thích việc hiện thực hóa mô hình KTTH. Thu nhận kinh nghiệm từ các quốc gia khác và hiểu được sự không đồng nhất trong những thách thức phải đối mặt ở các lĩnh vực khác nhau là rất quan trọng để một quốc gia thực hiện thành công nền KTTH.

Lược dịch: ThS. Trần Thị Diễm Phúc

Nguồn: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0959652621002225?dgcid=rss_sd_all

 

Tài liệu tham khảo

de Jesus, A., Mendonça, S., 2018. Lost in transition? Drivers and barriers in the ecoinnovation road to the circular economy. Ecol. Econ. 145, 75e89.

Masi, D., Kumar, V., Garza-Reyes, J.A., Godsell, J., 2018. Towards a more circular economy: exploring the awareness, practices, and barriers from a focal firm perspective. Prod. Plann. Contr. 29 (6), 539e550.

Milios, L., Christensen, L.H., McKinnon, D., Christensen, C., Rasch, M.K., Eriksen, M.H., 2018. Plastic recycling in the Nordics: a value chain market analysis. Waste Manag. 76, 180e189.

Vanner, R., Bicket, M., Hudson, C., Withana, S., ten Brink, P., Razzini, P., van Dijl, E., Watkins, E., Hestin, M., Tan, A., Guilcher, S., 2014. Scoping Study to Identify Potential Circular Economy Actions, Priority Sectors, Material Flows and Value Chains. Publications Office of the European Union, Luxembourg. http://bookshop.europa.eu/en/scoping-study-to-identify-potential-circular-economyactions-priority-sectors-material-flows-and-value-chains-pbKH0114775/.

Åkesson, L., 2014. Towards a Sustainable Waste Management: Habits and Behaviour. IVL Swedish Environmental Research Institute, Stockholm. https://portal.research.lu.se/ws/files/5527600/4905151.pdf

Preston, F., 2012. A Global Redesign? Shaping the Circular Economy. Chatham House: The Royal Institute of International Affairs, London.