Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn để quản lý chất thải rắn đô thị tốt hơn ở huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Giới thiệu
Nằm gần lòng Thành phố Hồ Chí Minh sôi động, Cần Giờ nổi tiếng với khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn đã được UNESCO công nhận. Thế nhưng, bên cạnh những giá trị sinh thái to lớn, Cần Giờ đang phải đối mặt với thách thức ngày càng gia tăng về quản lý chất thải rắn đô thị (CTRĐ), đặc biệt là vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa. Qua nghiên cứu điển hình này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu về thực trạng quản lý CTRĐ tại Cần Giờ hiện nay, hướng tới việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm đưa ra các giải pháp bền vững.
Huyện Cần Giờ, một khu vực ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh, đang ở bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển. Sở hữu hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, Cần Giờ vinh dự trở thành khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 2000. Tuy nhiên, huyện đảo đang phải đối mặt với thách thức ngày càng gia tăng về quản lý chất thải rắn đô thị (CTRĐ), đặc biệt là vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa. Theo nghiên cứu thống kê, trung bình mỗi năm, huyện đảo phát sinh khoảng 8.500 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó riêng nhựa đã tăng trưởng 7-8% hằng năm. Chỉ có khoảng 15% rác thải nhựa được thu gom và tái chế, gây ra mối đe dọa đáng kể tới hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Cách tiếp cận
Nghiên cứu này sử dụng khung phân tích Circularity Assessment Protocol có sự thay đổi cho phù hợp với đặc thù Cần Giờ. Khung này được phát triển bởi nhóm nghiên cứu của TS. Jenna Jambeck của Đại học Georgia, Hoa Kỳ, bao gồm có 7 hợp phần: Input, Community, Material and Product design, Use, Collection, End-of-life và Leakag. CAP được dùng để đánh giá hiện trạng quản lý rác thải nhựa tại địa phương. Sau khi có kết quả đánh giá hiện trạng, khung phân tích ReSOLVE (do tổ chức Ellen MacArthur phát triển) sẽ được dùng để đưa ra các hành động liên quan đến kinh tế tuần hoàn mà địa phương có thể áp dụng để có thể quản lý rác thải nhựa bền vững hơn theo hướng kinh tế tuần hoàn. Hình 1 mô tả cách tiếp cận mà nghiên cứu này sử dụng.

Hình 1. Cách tiếp cận dùng trong nghiên cứu điển hình tại Cần Giờ
Kết quả
Hình 2 là kết quả tóm gọn các ghi nhận được qua hoạt động đánh giá tại Cần Giờ.
Theo Kết quả phân tích CAP cho thấy lượng rác thải phát sinh bình quân đầu người là khoảng 0,3kg/người/ngày, trong đó chất thải hữu cơ chiếm gần 73%, rác thải nhựa chiếm gần 14%. Chỉ khoảng 15% rác thải nhựa được thu gom để tái chế; phần còn lại sẽ được đưa đến bãi chôn lấp hoặc thải bỏ trực tiếp ra môi trường. Hầu hết các sản phẩm tiêu dùng ở Cần Giờ có nguồn gốc nội địa; tuy nhiên, bao bì thường ở dạng khó tái chế. Phạm vi thu gom tại Cần Giờ chỉ đạt 73,8% và do một đơn vị thu gom duy nhất là Công ty Dịch vụ công ích huyện đảm nhận; chất thải chưa được thu gom bị xả thẳng ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho rừng ngập mặn. Tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn diễn ra ở Cần Giờ, thường gặp liên quan đến tàn thuốc và bao bì thực phẩm. Điểm đến cuối cùng của rác thải thu gom được là bãi rác Đa Phước.
Người dân Cần Giờ có biết đến chương trình phân loại rác tại nguồn nhưng do hệ thống thu gom vẫn đổ chung và giải pháp xử lý sau cùng vẫn là chôn lấp nên chương trình này đã ngưng lại và nhìn chung người dân có ý thức liên quan đến ô nhiễm nhựa và có mong muốn thay đổi, nhưng do thu nhập thấp cũng như không có lựa chọn thay thế vì vậy họ vẫn tiếp tục sử dụng các sản phẩm này.
Theo thống kê của Phòng TNMT Cần Giờ, địa bàn sản sinh khoảng 30 tấn rác mỗi ngày, trong đó thành phần nhựa chiếm tỷ trọng lớn. Dù đã có nhiều nỗ lực quản lý, huyện đảo vẫn gặp khó khăn trong các khâu phân loại, thu gom, và tái chế hiệu quả, dẫn đến suy giảm chất lượng môi trường. Ước tính trung bình hàng ngày các vựa ve chai tại Cần Giờ thu gom được khoảng 2 – 3 tấn phế liệu nhựa và theo phân tích thành phần rác phát sinh từ hộ gia đình thì mỗi ngày vẫn có khoảng từ 400 – 500 kg phế liệu nhựa không được thu gom.

Hình 2. Tóm tắt kết quả khảo sát nền bằng CAP và đề xuất các hành động quản lý theo khung phân tích ReSOLVE
Khuyến nghị theo mô hình ReSOLVE: Dựa trên những phát hiện trên, nghiên cứu đề xuất các hành động cụ thể theo khuôn khổ ReSOLVE mà các cơ quan chức năng và cư dân địa phương nên cân nhắc thực hiện:
- Tái tạo (Regenerate): Cải tạo bãi chôn lấp và chuyển hóa chất thải hữu cơ/có thể tái chế thành các sản phẩm có giá trị kinh tế.
- Chia sẻ (Share): Tận dụng hệ thống thu gom hiện có.
- Tối ưu hóa (Optimize): Giảm thiểu rò rỉ rác thải trong suốt quá trình thu gom, vận chuyển, và xử lý; kết nối khu vực thu gom rác thải phi chính thức vào hệ thống.
- Tạo vòng lặp (Loop): Tái chế và khôi phục vật liệu từ các dòng chất thải.
- Áp dụng số hóa (Virtualize): Sử dụng các ứng dụng số để hỗ trợ thu gom rác và/hoặc mua bán chất thải có thể tái chế.
- Trao đổi (Exchange): Thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng hằng ngày bằng các lựa chọn thân thiện với môi trường; phát triển các giải pháp tái chế mới cho loại nhựa giá trị thấp.
Kết luận
Bài toán ô nhiễm nhựa tại Cần Giờ làm nổi bật nhu cầu cấp thiết tìm kiếm giải pháp quản lý chất thải mang tính sáng tạo. Việc lồng ghép phân tích CAP với các khuyến nghị hành động theo ReSOLVE cho phép triển khai các biện pháp một cách toàn diện hơn và hiệu quả, giúp huyện Cần Giờ từng bước cải thiện hệ thống quản lý chất thải, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bằng việc chuyển mình theo mô hình kinh tế tuần hoàn, huyện đảo có thể bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, đồng thời trở thành hình mẫu cho phát triển bền vững.