Trong khuôn khổ hội thảo khoa học “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Sức bật của nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Dương” ngày 20 tháng 5 năm 2022, PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân, viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia Tp. HCM đã có ý kiến phát biểu về “Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp phục vụ phát triển đô thị tỉnh Bình Dương bền vững”.

Mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ sinh thái sẽ góp phần đóng góp và phát triển các đô thị hiện hữu, các khu đô thị mới thành những nơi đáng sống. Từ đó, góp phần thu hút đầu tư, thu hút nguồn lao động đến sinh sống và làm việc, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sồng, phát triển hài hòa, bền vững tỉnh Bình Dương.

Quang cảnh buổi Hội thảo.

Nguồn: Nhandan.vn

Quá trình phát triển đô thị (đô thị hóa) ở Bình Dương cũng như ở Việt Nam và trên thế giới đồng hành với quá trình phát triển kinh tế, thịnh vượng của địa phương. Tuy nhiên quá trình phát triển đô thị cũng đã và đang song song với những hệ lụy về môi trường. Bên cạnh các vấn đề thương hay được đề cập liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, ngập lụt đô thị, vấn đề không gian sinh thái, an toàn thực phẩm đã và đang là một nhu cầu hết sức cần thiết và cấp bách đối với sự phát triển các khu đô thị. Lấy ví dụ trong đợt dịch Covid vừa qua, càng cho thấy nhu cầu gắn kết, phát triển mối liên hệ giữa các các khu đô thị và nông nghiệp.

Kinh tế tuần hoàn đã và đang được quan tâm như một cách tiếp cận nhằm giải quyết bài toán mẫu thuẫn giữa phát triển kinh tế và các vấn đề môi trường trên thế giới cũng như ở Việt Nam chúng ta. Chủ trương phát triển KTTH đã được nêu lên trong nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng như trong các văn kiện liên quan đến chiến lược phát triển Xanh bao gồm nông nghiệp hữu cơ, năng lượng, sản xuất tiêu dùng, phát triển đô thị, đặc biệt trong cam kết của chính phủ trong trung hòa Cacbon đến năm 2050. Việc chuyển đổi mô hình kinh tế hiện nay sang mô hình KTTH được xem là sự lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam để đảm bảo chiến lược phát triển bền vững.

Mô hình KTTH đã được áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế trên nguyên tắc giảm thiểu nguồn đầu vào, kéo dài thời gian sử dụng bằng cách tái chế, tái sử dụng và tận dụng sản phẩm, từ đó góp phần sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và hạn chế phát thải các chất độc hại ra môi trường. KTTH không chỉ liên quan đến công tác giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải mà còn là những mô hình kinh doanh ở các cấp độ khác (nông hộ, ngành nông nghiệp, đia phương, quốc gia), góp phần nâng cao hiệu quả cạnh tranh với doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần phát triển bền vững.

Trên cơ sở áp dụng các nguyên tắc lý về kinh tế tuần hoàn, chúng ta có thể phát triển các khu nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cáo kết hợp với du lịch sinh thái hỗ trợ xây dựng và phát triển khu đô thị một cách bền vững. Đặc biệt, khả năng huy động các nguồn lực khoa học công nghệ, tài chính.

Lấy ví dụ tại huyện Phú Giáo, một địa phương đã phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Ngoài việc cung cấp một môi trường sống trong lành, thực phẩm sạch cho người dân tại địa phương, cũng như cung cấp sản phẩm trong nước và quốc tế, đây cũng là tiền đề quan trọng cho việc tận dụng lợi thế phát triển, thu hút đầu tư, phát triển các điểm du lịch nông nghiệp sinh thái, khu đô thị sinh thái, nghĩ dưỡng, bất động sản một cách hài hòa, bền vững.

Việc chuyển đổi qua mô hình KTTH trong phát triển nông nghiệp đô thị là một công việc cũng hết sức khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có sự tham gia của các bên, đặc biệt vai trò nhà nước, doanh nghiệp, người dân, nhà khoa học. Do vậy, để KTTH thực sự đi vào cuộc sống đòi hỏi phải có những bước đi và lộ trình phù hợp. Phát triển các mô hình KTTH hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp/du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phát triển đô thị tại tỉnh Bình Dương, cần quan tâm các nhóm giải pháp sau:

(1) Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp phát triển khu đô thị, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cần đưa vào đề án Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Dương trong giai đoạn tới.  

(2) Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt các công nghệ chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đồng thời sử dụng hiệu quả các phụ phẩm nông nghiệp;

(3) Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp/khởi nghiệp các sản phẩm nông nghiệp mới, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế;

(4) Nâng cao năng lực, phát huy vai trò các hợp tác xã kết nối nông dân ở các quy mô khác nhau để đủ thu hút sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp lớn, xây dựng và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững;

(5) Thúc đẩy phát triển vai trò của công nghệ 4.0, chuyển đổi số trong việc giám sát, dự báo tài nguyên môi trường, chia sẽ sản phẩm phụ (chất thải), nguồn nhân lực, truy xuất nguồn gốc, vận chuyển, kết nối sản xuất và tiêu dùng;

(6) Lồng nghép KTTH hoàn vào các chương trình, kế hoạch tại địa phương, quốc gia nhằm thu hút và phát huy các nguồn lực khác nhau (như chương trình nông thôn mới, nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái, tiêu dùng xanh, năng lượng tái tạo, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính);

(7) Thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế hỗ trợ kinh tế tuần hoàn như kinh tế chia sẽ, kinh tế số nhằm giảm thiểu, tối ưu các chi phí, kết nối mở rộng thị trường.

(8) Giải pháp kết nối giao thông đường bộ/thủy; Các mô hình cung cấp dịch vụ du lịch, giáo dục, y tế.

Mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ sinh thái sẽ góp phần đóng góp và phát triển các đô thị hiện hữu, các khu đô thị mới thành những nơi đáng sống. Từ đó, gia tăng các điều kiện để Bình Dương thu hút đầu tư, thu hút nguồn lao động, sinh sống và làm việc, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sồng, phát triển hài hòa, bền vững.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân

Tin về Hội thảo:

https://nhandan.vn/science-news/suc-bat-cua-nong-nghiep-cong-nghe-cao-tinh-binh-duong-698022/