Từ ngày 26 đến ngày 27/05, tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã diễn ra khóa tập huấn “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp kinh tế tuần hoàn cho sinh viên của Nhà trường. Chương trình do khoa Kỹ thuật Thực phẩm – Môi trường với Câu lạc bộ Nhà khởi nghiệp trẻ NTTU (NJEC) và sự hỗ trợ từ phía Đoàn – Hội Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cùng tổ chức.
Mục tiêu của chương trình tập huấn là trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết, xây dựng và phát triển tinh thần nghiên cứu khoa học ứng dụng cho sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành từ đó thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo theo hướng kinh tế tuần hoàn. Từ đây, mỗi sinh viên sẽ trở thành hạt nhân lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, truyền cảm hứng và tác động tích cực tới các chủ thể trong hệ sinh thái Kinh tế tuần hoàn thông qua các hoạt động học tập và nghiên cứu của mình (Innovation — Inspiration — Impact).
Các chủ đề chính của chương trình tập huấn gồm: Nhận thức các vấn đề toàn cầu, các công cụ phát triển bền vững (Founder Hoàng Phi Long – Phó thủ tịch câu lạc bộ liêm chính, chuyên gia kinh tế tuần hoàn); Tổng quan về kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững (TS. Nguyễn Kiều Lan Phương, giảng viên khoa Kỹ thuật Thực phẩm – Môi trường, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành); Áp dụng tư duy thiết kế phát triển sản phẩm và dịch vụ bền vững trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Founder Nguyễn Thị Ngọc Bích – Phó tổng thư ký Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam, CEO công ty cổ phần Tái chế Việt); Công nghệ và chính sách đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tuần hoàn (ThS. Lê Bá Nhật Minh, Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế tuần hoàn, ĐH Quốc gia TP. HCM).
Trong nội dung bài giảng có sự kết hợp tình huống thực tế được đặc biệt thiết kế và giảng dạy bởi đội ngũ chuyên gia, giảng viên, mạng lưới cố vấn khởi nghiệp sáng tạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cùng nhiều hoạt động tương tác, trải nghiệm hấp dẫn và thú vị trên các nền tảng và công cụ trực tuyến, các học viên đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích cũng như góc nhìn mới về “kinh tế tuần hoàn” và “phát triển bền vững”.
TS. Nguyễn Kiều Lan Phương (Bộ môn Quản lý tài nguyên và môi trường, Khoa Kỹ thuật Thực phẩm – Môi trường) nhấn mạnh “Để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động theo hướng kinh tế tuần hoàn ngoài trang bị những kỹ năng cần thiết về ngoại ngữ, xử lý số liệu, quản lý và đánh giá cơ sở dữ liệu, tìm kiếm cơ hội tái chế, tái sử dụng các vật liệu trong điểu kiện cụ thể của bản thân thì sinh viên ngành Quản lý tài nguyên môi trường cần phải được đào tạo những kiến thức quan trọng về Kinh tế môi trường, Quản lý chất rắn và chất thải nguy hại, Luật và chính sách tài nguyên và môi trường; … sinh viên sẽ vận dụng linh hoạt và sáng tạo để giải quyết các tình huống cụ thể, đây cũng là những chủ đề được đào tạo chuyên ngành của Khoa Kỹ thuật thực phẩm và môi trường, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong thời gian qua”.
TS. Nguyễn Kiều Lan Phương – Giảng viên khoa Kỹ thuật Thực Phẩm – Môi Trường tại khóa tập huấn
Nguồn: ntt.edu.vn
ThS. Lê Bá Nhật Minh đến từ Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế tuần hoàn, ĐH Quốc Gia TP. HCM, cho rằng: “Sẽ luôn có cơ hội cho sinh viên ngành Quản lý tài nguyên môi trường khởi nghiệp và tham gia thị trường lao động theo định hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, các bạn sinh viên cần có góc nhìn và cách tiếp cận liên ngành, liên lĩnh vực để giải quyết các vấn đề phức tạp. Ngoài ra hiểu được việc cân bằng giữa bảo vệ môi trường và lợi ích kinh tế giúp sinh viên có thể phát triển các ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp về kinh tế tuần hoàn hiệu quả.”
Nguồn: Khoa Kỹ thuật Thực phẩm – Môi trường, ĐH Nguyễn Tất Thành