Trưa 15-5, khép lại phiên làm việc buổi sáng, Ban Tổ chức khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, chuyển tải trên các kênh thông tin, truyền thông. Đồng thời, chuyển tải đến các bộ, ngành, cơ quan chức năng có trách nhiệm. Chiều nay, chương trình sẽ tiếp tục với hội thảo chủ đề “Lập kế hoạch các lộ trình chuyển đổi nguồn nước”.
Hôm nay 15-5, tại TP. Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, ĐHQG-HCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng và UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
Tham dự hội thảo có các đại biểu: Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ; Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; Đại tá Trần Văn Ngạn, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9; Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển ĐBSCL; PGS.TS. Phan Thanh Bình, nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 14; PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Cần Thơ; cùng đại biểu là những chuyên gia, lãnh đạo sở ngành, quận huyện, các doanh nghiệp, các trường đại học… tham dự.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ (thứ 2 từ phải qua) trao đổi với các đại biểu đến dự hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chủ trì hội thảo gồm: ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; Phó GS.TS. Phan Thanh Bình, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV; ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP; PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, ĐHQG-HCM.
Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu:
Phát biểu chào mừng hội thảo, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu rất hoan nghênh Báo SGGP đã có sáng kiến tổ chức hội thảo này. Theo đồng chí, TPHCM và các tỉnh thành ĐBSCL có nhiều chương trình ký kết hợp tác, để tương hỗ phát triển bền vững. Vùng ĐBSCL cung cấp nguyên vật liệu, còn TPHCM là chế biến, xuất nhập khẩu rất lớn.
Sự thay đổi của ĐBSCL sẽ tác động trực tiếp đến TPHCM. Do đó, hội thảo càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo quy hoạch vừa được duyệt, TP Cần Thơ ngoài phát triển nông nghiệp còn tập trung công nghiệp chế biến chế tạo, tăng thương mại dịch vụ. Cùng với sự phát triển của hạ tầng đặc biệt là giao thông, không gian phát triển của ĐBSCL sẽ có nhiều đổi khác, khoảng cách giữa các địa phương được kéo gần.
Thấy rõ vai trò quan trọng của ĐBSCL, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã dành sự quan tâm lớn, có nhiều chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn và phát huy thế mạnh, tiềm năng của vùng.
Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 vào năm 2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc triển khai thực hiện nghị quyết này trong những năm qua đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hóa giải được nhiều thách thức trong sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng, nguồn nước ngầm suy giảm và sự hình thành nhiều đập thủy điện ở khu vực thượng nguồn sông Mekong khiến vùng ĐBSCL đối mặt với sụt lún, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất – sinh hoạt… ngày càng nghiêm trọng.
Những thách thức mà ĐBSCL đang đối mặt không chỉ ảnh hưởng tới vùng, mà còn ảnh hưởng đến cả quốc gia.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, thực tế trên đặt ra yêu cầu, ngay lúc này cần phải có giải pháp cấp bách, căn cơ, kịp thời để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
“TP Cần Thơ là đô thị trung tâm của vùng, thời gian qua, chúng tôi luôn trăn trở trước những thiệt hại, hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra với địa phương và cả vùng. Việc UBND TP Cần Thơ phối hợp Báo SGGP và Viện nghiên cứu – Phát triển Kinh tế tuần hoàn tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp cấp thiết bảo vệ Đồng bằng sông Cửu Long” thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, sự chung tay và quyết tâm tìm giải pháp ứng phó hiệu quả của TP Cần Thơ”, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ nói và bày tỏ mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý, hiến kế tâm huyết, chia sẻ kinh nghiệm từ hội thảo lần này.
Ngoài các góp ý chính sách phát triển ĐBSCL, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu mong muốn các chuyên gia, đại biểu góp ý thêm hàm ý phát triển bền vững, toàn diện đối với vùng trong thời gian tới. Đây là những nội dung rất quan trọng, phù hợp với định hướng lớn của Trung ương về sự phát triển của vùng ĐBSCL.
Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP nhấn mạnh, ĐBSCL được biết đến là “vựa lương thực” của cả nước, là “giỏ thực phẩm” của toàn cầu, bởi nơi đây có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đất đai bằng phẳng, phì nhiêu. Những năm qua, đồng bằng đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với hơn 94% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 70% sản lượng trái cây cả nước.
Đại diện Ban Biên tập Báo SGGP tặng hoa cho các đơn vị đồng hành. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Là vùng trọng yếu về an ninh lương thực của quốc gia, nhưng ĐBSCL lại là khu vực rất dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm suy giảm, cộng với việc nhiều công trình thủy điện hình thành ở thượng nguồn sông Mekong… khiến cho miền Tây đang phải đối mặt với sụt lún, sạt lở đất; thiếu nước sản xuất, sinh hoạt… rất nghiêm trọng.
Cả vùng hiện có hơn 800 khu vực sạt lở với tổng chiều dài hơn 1.000km; trung bình mỗi năm mất từ 300 đến 500ha đất do lở bờ sông, bờ biển. Tính riêng tỉnh Cà Mau, từ năm 2011 đến nay đã có hơn 350km bờ biển bị sạt lở, làm mất hơn 5.300ha đất sản xuất, đất ở và rừng ngập mặn.
Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm hơn 50.000 hộ dân ở ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt; gần 1.000 tuyến đường, bờ kênh, nhà ở, kho xưởng, cầu giao thông bị hư hỏng, đổ sập do sụt lún, sạt lở; hàng ngàn ha rau màu bị thiếu nước tưới, chết khô; hàng trăm ha rừng bị cháy rụi…
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo nhà báo Tăng Hữu Phong, những con số trên cho thấy, hậu quả và hệ lụy của biến đổi khí hậu rất nặng nề, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản, kinh tế mà còn đe dọa đến sự an toàn, tính mạng của hàng triệu người dân miền Tây; về lâu dài, nguy cơ mất an ninh lương thực quốc gia và toàn cầu là rất lớn.
Với TPHCM, ĐBSCL là nơi cung ứng lương thực thực phẩm lớn nhất, do đó bất cứ điều gì xảy ra với vùng đất này đều ảnh hưởng trực tiếp đến TPHCM. Theo dự báo, mức độ tác động và những con số thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra với ĐBSCL sẽ còn tăng lên khủng khiếp trong tương lai, nếu ngay lúc này chúng ta không có các giải pháp căn cơ, cấp thiết.
“Thời gian qua, chứng kiến các địa phương vùng ĐBSCL gánh chịu hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn… gây ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn đau đáu, xót xa”, nhà báo Tăng Hữu Phong chia sẻ và cho biết, từ những trăn trở này, Báo Sài Gòn Giải Phóng – Cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam TPHCM – phối hợp với UBND TP Cần Thơ và Viện Nghiên cứu – Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức Hội thảo “Giải pháp cấp thiết bảo vệ Đồng bằng sông Cửu Long”.
Hội thảo nhằm góp phần đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để vùng ĐBSCL thích nghi, ứng phó hiệu quả hơn, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Ý kiến thảo luận tại hội thảo:
Ông Phạm Văn Sỹ, chuyên viên Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ TN-MT cho biết, thời gian qua, bộ đã xây dựng được các chính sách liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu.
Ông Phạm Văn Sỹ phát biểu tại hội thảo
Trong đó, với vùng ĐBSCL sẽ có các hoạt động như điều tra đánh giá các nguồn nước dưới đất, phát triển các trung tâm về nông nghiệp, phát triển vùng nguyên liệu hướng đến phát triển bền vững, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp; xây dựng các công trình giao thông đường bộ, đường thủy, chú trọng các khu vực dễ bị tổn thương.
Bộ cũng ban hành các thông tư hướng dẫn các vùng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; lồng ghép các nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch phát triển…
Ông Phạm Văn Sỹ đề xuất một số giải pháp, như cần xây dựng chiến lược tổng thể, bảo vệ sử dụng bền vững các nguồn nước ở ĐBSCL; giảm tình trạng sụt lún do khai thác nước ngầm. Bởi sụt lún làm gia tăng tác động của nước biển dâng.
Ngoài ra, xây dựng hệ thống công trình trữ nước trong mùa mưa để sử dụng trong mùa khô; hoàn thiện hệ thống đê bao ngăn mặn; chuyển đổi phát triển nông nghiệp bền vững; xây dựng các tuyến dân cư, nhà ở để chủ động hỗ trợ người dân trong các trường hợp cần thiết.
Tham dự hội thảo trực tuyến từ Hà Lan, TS Sepehr Eslami, Trung tâm nghiên cứu về đồng bằng châu thổ (Deltares) đề cập đến tình trạng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng ngày càng nặng nề ở vùng ĐBSCL. Cơ quan này đã tích cực phối hợp Việt Nam trong thời gian qua để nghiên cứu và thực hiện các giải pháp ứng phó với tình trạng này ở ĐBSCL, trong đó có phối hợp Công ty cấp nước Hậu Giang để thực hiện bổ cập nước ngầm.
Chuyên gia Hà Lan nhấn mạnh, sẽ cần các giải pháp tổng hợp thay vì giải pháp đơn lẻ. Trong đó, liên kết vùng rất quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác cát. Bởi xói mòn đáy tác động rất lớn đến xâm nhập mặn. Hợp tác quốc tế cũng rất quan trọng, đặc biệt là với Biển Hồ (Campuchia) trong việc điều tiết, quản lý nguồn nước.
Ông Cao Văn Tấn, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang: Liên kết tạo cánh đồng lớn để sử dụng nước tiết kiệm
Tôi có 35ha đất trồng lúa hiện đã áp dụng đầy đủ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Qua thực tế canh tác, tôi thấy đáng lo. An Giang là vùng đầu nguồn lâu nay nguồn nước phục vụ sản xuất trồng lúa khá dồi dào. Nhưng năm nay, có những thời điểm nông dân phải “cạnh tranh” tìm nguồn nước phục vụ sản xuất.
Nông dân Cao Văn Tấn
Theo tôi, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để nông dân liên kết hình thành cánh đồng lớn. Việc hình thành cánh đồng lớn, xuống giống đồng loạt sẽ là cách khôn ngoan sử dụng nguồn nước tiết kiệm – tránh tình trạng người bơm vào, người ra… Đồng thời, cần sớm có quy hoạch cụ thể vùng nào sản xuất lúa 2 vụ/năm, vùng nào sản xuất lúa 3 vụ/năm. Cần tăng diện tích lúa chỉ sản xuất 2 vụ/năm để dành một phần đất còn lại trữ nước trong mùa nước nổi.
Rất cảm ơn Báo SGGP đã mời những nông dân như tôi đến tham gia hội nghị, được nghe các nhà khoa học trình bày các giải pháp để ĐBSCL thích ứng, chung sống phát triển bền vững… cũng là một cách khai thông hiểu biết về vùng đất mình đang sống.
Ông Đặng Văn Ngọ, Tổng Giám đốc Công ty CP cấp nước Sóc Trăng
Hệ thống cấp nước gồm nước ngầm và nước mặt, nhưng thực tế đang cạn kiệt mạch nước. Trước đây, chúng tôi khoan khoảng 30m là có nước, nhưng nay phải sâu hơn, chưa kể nước có lẫn nhiều tạp chất.
Gần như các tỉnh thành từ Trà Vinh, đến Sóc Trăng, Bạc Liêu… đều phải sử dụng nước ngầm, và bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nguồn nước sụt giảm, hiện tượng sụt lún… nhưng giải pháp cụ thể chưa có.
Đối với hội thảo này, chúng tôi kiến nghị các chuyên gia cần có nghiên cứu, đề xuất giải pháp bổ cập nước ngầm.
Trước đây, khoảng thập niên 80-90, các giếng được UNICEF vận động khoan cho người dân để cung cấp nước sạch rất phổ biến, nhưng nay các mạch ở những giếng này bị hỏng. Có những mạch nước nằm sâu dưới hàng trăm mét vẫn bị nhiễm mặn. Khi tìm mạch nước mới, phải trám giếng cũ, nhưng không phải người dân nào cũng đủ kinh phí để làm được, ngoại trừ các doanh nghiệp…
Với nước mặt, cần có chính sách khai thác bền vững mạch nước. Làm sao để cho người dân có nước sạch để dùng. ĐBSCL hiện còn 8 cửa, do 1 cửa bị bồi lắng.
Ông Đặng Văn Ngọ
Chúng ta quan tâm làm các cửa giữ nước ngọt nhưng cũng nổi lên lo ngại tàu bè qua lại thế nào, ảnh hưởng môi trường, gây tù đọng… ra sao. Như vậy, về lâu dài, cần phải làm sao để sống được khi không có phù sa? Nên quy hoạch vùng nuôi tôm ở từng vùng nước mặn, ngọt, lợ…
Miền Nam là vựa lúa, trái cây của cả nước, nhưng cần tính đến việc nước thượng nguồn không đổ về, thì các tỉnh khúc cuối ra sao. Nên chăng phải có cửa cống để chặn, dưới cống, trên cầu. Ví dụ hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé (Kiên Giang) được xem là mô hình ngăn mặn hiệu quả. Không có nước ngầm chúng tôi rất khó khăn. Về lâu dài, tổng quan, cần ngăn mặn cũng như tìm cách lưu trữ nước ngọt hiệu quả. Tránh tình trạng 6 tháng mùa mưa dùng xả láng, còn sau đó nước mặn tràn vô.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời: Sản xuất bền vững, chìa khóa cho an ninh lương thực miền Tây
Hoạt động sản xuất nông nghiệp ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước Mekong và chiếm đến 70% lượng nước sử dụng tại khu vực này. Do đó, câu chuyện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và suy giảm nguồn nước sông Mekong do các dự án phía thượng nguồn đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất lương thực tại ĐBSCL.
Đây là thử thách lớn đối với an ninh lương thực khi ĐBSCL đóng vai trò quyết định trong an ninh lương thực với 54% diện tích và đóng góp 58% sản lượng lúa cả nước, 93% sản lượng xuất khẩu gạo.
Tháng 11-2023, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đã được Chính Phủ thông qua.
Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp tiên phong hưởng ứng chuyển đổi sản xuất bền vững. Đến nay, Lộc Trời đã tổ chức liên kết sản xuất với gần 300.000 nông hộ trên diện tích gần 300.000ha. Mô hình canh tác “Mặt ruộng không dấu chân” được cơ giới hóa đồng bộ kết hợp drone phun thuốc của Lộc Trời giúp lượng lúa giống sạ giảm từ 300kg/ha xuống chỉ còn 80-100kg/ha, tiết kiệm được 20% lượng nước sử dụng và giảm 20-30% lượng phân bón.
Những nỗ lực trên hướng đến mục tiêu giảm thiểu 1 triệu lít hóa chất xuống đồng ruộng, từ đó bảo vệ nguồn nước ngọt vốn đang ngày càng thu hẹp. Thông qua tổ chức sản xuất lớn và việc quy hoạch tiểu vùng, người dân liên kết sản xuất với Lộc Trời cũng được hướng dẫn giống lúa và quy trình canh tác phù hợp theo điều kiện thủy lợi giúp hạn chế thiệt hại do hạn mặn.
Hơn 30 năm sát cánh cùng người dân sản xuất nông nghiệp, Lộc Trời sở hữu hệ sinh thái nông nghiệp đa dạng từ nghiên cứu, giống cây trồng, vật tư nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp cũng như đảm bảo đầu ra cho sản phẩm lúa gạo. Cùng với đó, đội ngũ “3 cùng” hơn 1.200 kỹ sư nông nghiệp được nông dân tin yêu là “vốn liếng” quan trọng để Lộc Trời đồng hành cùng bà con trong công cuộc chuyển đổi sản xuất bền vững. Lộc Trời đặt mục tiêu tổ chức liên kết sản xuất 250 ngàn ha lúa chất lượng cao trong giai đoạn 2024-2025 và tham vọng đạt 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao vào năm 2030.
Ông Bùi Trọng Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cấp thoát nước – Công trình đô thị Hậu Giang cho biết, tỉnh đang xây dựng hồ chứa 100ha, đã thực hiện xong giai đoạn 1 là 50ha. Để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, năm 2010, tỉnh đã chấp thuận chủ trương xây dựng 15 giếng ngầm, nhưng chỉ được khai thác các giếng này để khai thác nước khi nước mặn xâm nhập hay có sự cố về môi trường.
Đến nay nguồn nước ngầm chỉ chiếm 3-4% nguồn cấp nước của đơn vị, còn lại chủ yếu là nước mặt.
Ông Bùi Trọng Lực phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hiện các trạm cấp nước của công ty đã liên kết với nhau để điều tiết lưu lượng. Về giải pháp lâu dài, hiện nay đã và đang thử nghiệm bổ cập nước ngầm ở các nhà máy.
Vào mùa mưa, sản xuất dư thì chúng tôi dùng nước đã đạt tiêu chuẩn để bổ cập nước ngầm với lưu lượng 2.000m3/ngày. Vào mùa khô thì khai thác lên, tương ứng 2.000m3/ngày. Hiện có 2 dự án đang thử nghiệm việc này, có sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài về chuyên môn, kinh phí.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ: Cần có công trình trữ nước ngọt cấp khu vực
Ông Trần Thái Nghiêm đã cảm ơn Báo SGGP tổ chức hội thảo để tìm giải pháp ứng phó trong bối cảnh hạn – mặn, nắng nóng kéo dài tác động đến đời sống và sản xuất của người dân.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Dù là thành phố trực thuộc Trung ương nhưng diện tích nông nghiệp còn khá lớn 110.000ha, trong đó đất trồng lúa 75.000ha. Các hình thái thời tiết cực đoan nhất là nắng nóng kéo dài tác động đến nhiều loại cây trồng, sầu riêng rụng lá, năng suất cây trồng giảm.
Tại TP Cần Thơ đã xuất hiện nhiều kênh rạch kiệt nước, nông dân phải luân phiên bơm nước phục vụ sản xuất; vận chuyển vật tư theo đường thủy rất khó khăn. Ngoài ra diễn biến sạt lở bờ sông cũng khá nghiêm trọng. Từ đầu năm 2024 đến nay xảy ra 10 vụ sạt lở làm sụp 10 căn nhà và một nhà kho, thiệt hại hơn 12 tỷ đồng.
Clip ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ phát biểu tại hội thảo
Ông Trần Thái Nghiêm chia sẻ, có lẽ câu chuyện phù sa màu mỡ ở miền Tây đã thành dĩ vãng. Đáng lo hơn, những năm trước Cần Thơ chỉ xuất hiện triều cường vào tháng 9, 10 (mùa nước nổi), nay triều cường kéo dài đến tháng trước và sau Tết Nguyên đán.
Cần Thơ đã nỗ lực thích nghi với những biến động này, tập trung cập nhật và tăng cường dự báo, để người dân chủ động ứng phó đầu tư cơ sở hạ tầng. Hiện trên địa bàn có gần 3.000km kênh rạch. Nguồn lực để đầu tư sử dụng hệ thống này trữ nước là có hạn.
“Chính vì vậy, về trữ nước phải phát huy hệ thống cống gắn với các vùng sản xuất, cấp độ chiến lược quốc gia cần có công trình trữ nước cấp khu vực. Đồng thời có chính sách và dành nguồn lực để hỗ trợ nông dân xử lý, tái sử dụng 25 triệu tấn rơm hàng năm (thay vì đốt trên đồng). Và có nguồn lực để hỗ trợ di dời người dân sống ven các kênh rạch, luôn bị sạt lở rình rập”, ông Trần Thái Nghiêm đề xuất.
Đại diện Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh cho biết, công ty quyết tâm mang nước sạch an toàn sức khỏe cho người dân Việt Nam. Năm 2023 đóng góp 2,7 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội cho các địa phương vùng ĐBSCL. Năm nay công ty tài trợ hơn 13.000m ống nước cho các địa phương trong vùng.
Đại diện Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh kiến nghị ngành chức năng và công ty cấp nước triển khai thêm các dự án cung cấp nước sạch cho người dân vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
PGS.TS. Phan Thanh Bình, nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 14:
Cần kế sách trăm năm cho ĐBSCL
Là người sinh ra và lớn lên ở ĐBSCL, lại từng tham gia nhiều dự án, nghiên cứu về giải pháp ứng phó với tình trạng ở ĐBSCL, PGS.TS. Phan Thanh Bình đánh giá, việc ứng phó những vấn đề của ĐBSCL là “chậm”. Các giải pháp hiện nay cũng chính là những giải pháp được đề xuất từ năm 2016 đến nay.
PGS.TS. Phan Thanh Bình phát biểu tại hội thảo
“Chúng ta đã rất có trách nhiệm, Trung ương có nhiều nghị quyết, các địa phương cũng rất chủ động, người dân linh hoạt thích nghi. Khá đầy đủ các giải pháp. Nhưng có lẽ chúng ta phải nhấn mạnh hơn, nguyên nhân vì sao gây ra hiện tượng này”, PGS-TS Phan Thanh Bình đặt vấn đề.
Theo ông, có ba tác động làm cho ĐBSCL khó khăn là do biến đổi khí hậu, do con người tại chỗ và do tác động của thượng nguồn. Trong đó, cần nhìn nhận rằng yếu tố con người tại chỗ là rất quan trọng. Cần xem lại chúng ta đã đối xử với môi trường của ĐBSCL như thế nào, để tạo ra những biến động của môi trường. Những tác động này bị tăng lên bởi biến đổi khí hậu và tác động của thượng nguồn.
Hiện vấn đề lún sụt và ngập mặn phải chăng có vấn đề từ việc khai thác cát, khai thác nước ngầm. Cần nhận thức rõ việc này. Phải chăng cần nhìn nhận lại nhiều thứ, giải pháp đưa ra tại hội thảo này rất đầy đủ, nhưng cộng đồng phải thay đổi cách sống, cách sản xuất, sinh kế của đồng bào, phải tính rất sâu sắc tất cả những chuyện này.
Ông Phan Thanh Bình cũng nhấn mạnh, trong các nguyên nhân tác động, cần chú trọng nhiều hơn đến tác động của con người tại chỗ. Việc lún sụt có tác động đến xâm nhập mặn. Nước biển dâng vài mm một năm. Nhưng lún sụt là vài cm/năm, gấp 10 lần nước biển dâng. Mà lún sụt là do mình, bởi đây là vùng đất mới, nếu không giữ được nước, không giữ được trầm tích thì nó sẽ lún, và thực tế đang lún nhanh hơn nước biển dâng gấp 10 lần!
Về quan điểm, giải pháp cấp thiết cho ĐBSCL là đúng, nhưng từ lâu chúng ta đã nêu ra giải pháp “cấp thiết” rồi, nhưng cũng phải gắn với lâu dài, coi là kế sách trăm năm. Đến nay ĐBSCL vẫn là đất mới, đất bồi, nền móng yếu, thì kế sách phải như thế nào, phải tính bằng chục năm và lâu hơn nữa.
“Chính sách, đã có nhiều chính sách nhưng phải toàn diện và khoa học. Giải pháp phải bản chất, căn cơ, lâu dài, hàng chục năm và xa hơn nữa, coi là kế sách trăm năm cho ĐBSCL, hướng đến phát triển bền vững”, PGS.TS. Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
Bàn thêm về giải pháp ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, bà Võ Xuân Khanh, Trưởng bộ phận Kỹ thuật, Sản xuất, Phòng Kỹ thuật Công nghệ, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) cho biết, nước mặt sông Sài Gòn và sông Đồng Nai là hai nguồn nước thô chính để xử lý và cung cấp nước sạch cho TPHCM. Biến đổi khí hậu với những hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, mưa bão, hạn hán đang ảnh hưởng lớn đến ngành cấp nước.
Những hiện tượng cực đoan này có thể làm thay đổi về nhu cầu tiêu thụ nước, thay đổi khả năng cung cấp của tài nguyên nước (khối lượng và chất lượng). Đặc biệt là đe dọa các hệ sinh thái nước và đất, đe dọa cơ sở hạ tầng (lũ lụt, mưa bão, lốc xoáy), đe dọa chất lượng nước uống.
Bà Võ Xuân Khanh phát biểu tại hội thảo
Để ứng phó, SAWACO trang bị các thiết bị giám sát chất lượng cho các trạm cấp nước; phối hợp liên ngành, liên địa phương trong ứng phó xử lý các sự cố. Đồng thời triển khai các giải pháp ứng phó khẩn cấp cho người dân khi sự cố kéo dài trên 12 giờ: cung cấp nước bằng xe bồn, bồn nước tập trung. Cung cấp nước thông qua các túi nước khẩn cấp. Về giải pháp dài hạn có việc cải tạo lại hệ thống cấp nước theo các DMZ.
“Chúng ta đang hướng đến kinh tế xanh, số, tuần hoàn. Trong ngành cấp nước cũng đang nâng cao nhận thức rằng nước là nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng, tuần hoàn. Các đơn vị khai thác, sử dụng phải có trách nhiệm hơn trong quản trị nguồn nước, sử dụng hiệu quả, xử lý nguồn nước cho sản xuất phải đáp ứng được tiêu chuẩn trước khi xả thải, để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận nước sạch trong tương lai”, bà Xuân Khanh nhấn mạnh.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, ĐHQG-HCM trình bày tham luận “Chuyển đổi kinh tế xanh kết hợp nâng cao sức chịu đựng thiên tai của doanh nghiệp và năng lực thích ứng của cộng đồng tại khu vực ĐBSCL”.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh, ĐBSCL có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế tuần hoàn, như tận dụng phụ phế phẩm từ tôm, cá tra, lúa, cây ăn quả; tận dụng các nguồn đầu vào, chất thải.
Một số ví dụ cụ thể được nêu ra, như một công ty đã nghiên cứu sử dụng enzyme để thu hồi protein trong xác, vỏ tôm; ứng dụng công nghệ tuần hoàn tái sử dụng nước thải trong sản xuất chitin chất lượng cao bằng phương pháp hóa sinh; chiết xuất chitosan nền từ chitin và chitosan phân tử lượng thấp từ xác tôm mịn trong quá trình sản xuất SSE/Dịch đạm thủy phân; sử dụng công nghệ sinh học để sản xuất nguyên liệu bùn thải làm phân bón vi sinh từ bùn thải.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân phát biểu tại hội thảo
Hay từ năm 2008, một công ty khác đã xây dựng thành công chương trình “Trang trại xanh”, có quy trình nuôi trồng – sản xuất cá tra khép kín, doanh nghiệp có thể kiểm soát từ giống – nuôi trồng – thu hoạch – chế biến – sản xuất – tiếp thị – bán hàng. Vĩnh Hoàn không bỏ bất cứ bộ phần nào của con cá tra, ví dụ như da – mỡ – nội tạng những thứ được xem là phế phẩm như trước đây. Ngoài sản phẩm fillet cá, họ lấy mỡ sản xuất dầu cá, da làm da cá chiên giòn – collagen – gelatin, bong bóng và bao tử cá đông lạnh.
Với cây lúa, cây dừa, ĐBSCL cũng có tiềm năng lớn phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong nông – lâm – thực phẩm, ĐBSCL có thể cung cấp nguồn nông sản sạch các khu vực đô thị như TPHCM. Mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với phụ phẩm ngành (gắn với công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị như Chitosan, Omega-3.
Cùng với đó là phát triển kinh tế số blockchain, truy suất nguồn gốc, chuỗi cung ứng (đảo chiều). Phục hồi rừng, Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học (rừng tràm, rừng ngập mặn), các nguồn gen, văn hóa bản địa. Bên cạnh đó là việc trao đổi, mua bán tín chỉ carbon rừng, nông nghiệp cũng là tiềm năng lớn của vùng.
Chốt lại vấn đề, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là xu thế tất yếu của thế giới. ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững.
Ông khuyến nghị cần thiết lồng ghép kinh tế tuần hoàn (tính liên vùng, liên ngành, liên lãnh vực cao) vào kế hoạch, quy hoạch vùng/địa phương…
Một số kiến nghị từ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn đối với ĐBSCL, là tiếp tục phát triển các công nghệ chế biến, tạo các sản phẩm cấp cao hơn, như thực phẩm, mỹ phẩm. Đồng thời hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp/khởi nghiệp các sản phẩm mới gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn. Nâng cao năng lực, phát huy vai trò các hợp tác xã kết nối nông dân để đủ thu hút sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp lớn; Xây dựng chương trình hợp tác phát triển kinh tế tuần hoàn với các địa phương lân cận và đặc biệt TPHCM.
TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn:
Trồng lúa thuận thiên, bền vững
Theo Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, mục tiêu đến năm 2025 diện tích chuyên canh cây lúa đạt 300.000ha, đến năm 2030 đạt 1 triệu ha và sản lượng lúa tại các vùng chuyên canh lần lượt đạt 3,8 triệu tấn lúa và 13 triệu tấn…
TS.Trần Minh Hải phát biểu trực tuyến. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Quan điểm của đề án này là tiếp cận theo hướng chiến lược xanh, kinh tế tuần hoàn. Nhưng thực tế có nhiều người đang hiểu lầm, đề án ra đời nhằm để bán tín chỉ carbon, giảm phát thải, trong khi bản chất đề án nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong ngành lúa gạo…
Trong mục tiêu, phần khó nhất chính là liên kết giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã phải đạt 100%; trong khi tiêu chí liên kết tiêu thụ giữa các đơn vị còn thấp. Có nhiều thông tin khác nhau về số liệu đăng ký tham gia dự án với hiện trạng triển khai của các tỉnh. Ví dụ, ban đầu tỉnh An Giang đăng ký là 200.000ha, nhưng nay “rút lại” còn 125.000ha; hay như Cà Mau giảm từ 30.000ha (đăng ký ban đầu) xuống còn 11.000ha…
Quan điểm triển khai là nơi nào phù hợp, đủ điều kiện hạ tầng, khả năng của địa phương thì nên làm trước. Nếu sản xuất theo phương thức truyền thống, thì một lượng nước khổng lồ đưa lên đồng ruộng, còn áp dụng theo phương thức mới ngập khô xen kẽ, có thể tiết kiệm được rất nhiều nước…
Trước thực trạng này, đề án đặt ra yêu cầu gồm giảm đầu vào (giảm giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật); áp dụng tưới ngập – khô xen kẽ; quản lý rơm rạ… Song song đó, cần ưu tiên các hợp tác xã phát triển đúng bản chất, nhiều thành viên; lấy hợp tác xã thí điểm đầu tư tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; triển khai quản lý mã vùng trồng; tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản…
Bên cạnh đó, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Ngân hàng Thế giới World Bank (WB) là rất quan trọng cho sự thành công của dự án đề xuất. Kinh nghiệm và kiến thức kỹ thuật của WB trong việc thiết kế và triển khai VnSAT và “Chương trình Lúa carbon thấp chất lượng cao 1 triệu ha”. Hỗ trợ tạo tín dụng carbon chất lượng cao cho lúa gạo kết hợp mua tín chỉ carbon trong đề án; giới thiệu những cải tiến mới cho chương trình, như hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, số hóa nông nghiệp và xây dựng thương hiệu các bon thấp… và các khoản vay của WB có thể giúp Việt Nam duy trì vị thế là quốc gia tiên phong toàn cầu trong sản xuất và xuất khẩu gạo chất lượng cao với lượng khí thải thấp.
WB có thể tạo điều kiện chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm quốc tế giữa Việt Nam và các nước khác trong các lĩnh vực liên quan.
GS.TS. Ngô Đức Tuấn, Đại học Melbourne, Úc trình bày tham luận trực tuyến Giải pháp công nghệ xây dựng cho các công trình cơ sở hạ tầng và đô thị ứng phó biến đổi khí hậu.
GS.TS. Ngô Đức Tuấn
Theo GS.TS. Ngô Đức Tuấn, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng tại ĐBSCL là nhu cầu rất lớn đòi hỏi nguồn lực. Gần 400.000 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng giao thông ĐBSCL. Bộ GTVT cho biết, để thực hiện các quy hoạch ngành, việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL cần tới 391.200 tỷ đồng, tập trung các dự án trọng điểm, liên kết vùng. Để phát triển đô thị vùng ĐBSCL cần kiến tạo đặc biệt để thích ứng nước biển dâng.
ĐBSCL hiện có 211 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 32%. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt khoảng 42-48%.
Hiện trạng thiếu cát và các giải pháp thay thế: Trữ lượng cát san lấp hiện tại chỉ còn khoảng 37 triệu m3, đáp ứng khoảng 77% nhu cầu. Trong khi đó, thời gian tới, các dự án cao tốc sẽ triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu cát là rất lớn, lên đến khoảng 47,8 triệu m3. Trong đó, năm 2024 khoảng 28,4 triệu m3. Chúng ta rơi vào khủng hoảng thiếu cát xây dựng.
Về nguy cơ sụt lún và sạt lở tại ĐBSCL, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ “Tốc độ sụt lún đất cao gấp 3-4 lần, có nơi tới 10 lần so với tốc độ nước biển dâng, cho thấy ĐBSCL có nguy cơ chìm dần do cả sụt lún đất và nước biển dâng. Nhiều tuyến đê biển, đường ven biển trước đây thiết kế đủ cao độ nhưng giờ lại bị thủy triều tràn qua gây ngập”.
GS.TS. Ngô Đức Tuấn đề xuất tái chế phế thải xây dựng thành các sản phẩm lốp xe để sản xuất dải phân cách thay bê tông, nhằm tăng cường khả năng chịu va đập. Theo thống kê, ở Úc có 30 triệu tấn phế thải xây dựng hàng năm, còn ở Việt Nam ước lượng khoảng 80 triệu tấn/năm.
Các công trình hạ tầng ven biển và sông có nhiễm mặn cao làm hư hỏng các công trình bê tông, giảm tuổi thọ. Do đó cần có giải pháp bê tông mới: sử dụng các phế thải tái chế thay thế…
GS.TS. Ngô Đức Tuấn đánh giá, sử dụng bê tông thường trong môi trường nhiễm mặn: Độ bền xâm thực kém; Bê tông bị muối làm tinh thể hóa; Thẩm thấu clorua; Độ chắc đặc thấp; Yêu cầu che phủ bề mặt; Nứt vỡ bề mặt bê tông; Ăn mòn cốt thép. Hư hỏng của bê tông thường trong môi trường nhiễm mặn gây hư hỏng một số công trình. Sử dụng bê tông thường trong môi trường nhiễm mặn sẽ nứt vỡ, gỉ cốt thép, các vết nứt có gỉ sắt chảy, bê tông cong vênh.
Các ứng dụng: Công nghệ Bê tông geopolymer trong môi trường nhiễm mặn; Ứng dụng công nghệ bê tông mới để kè biển và sông; Công nghệ vật liệu xây dựng mới bền vững môi trường và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu; Công nghệ xây dựng mô đun lắp ghép – Modular Construction.
Bên cạnh đó, ứng dụng các công cụ đánh giá phân loại khả năng ứng phó thiên tai của các công trình xây dựng và khu đô thị; Công nghệ sử dụng ảnh viễn thám kết hợp AI để quy hoạch phát triển điện mặt trời mái nhà; Công nghệ xây dựng các công trình chống thiên tai FORTIS HOUSE Project…
GS.TS. Ngô Đức Tuấn kiến nghị ngành chức năng cần phối hợp với các tỉnh và doanh nghiệp để tìm hiểu kỹ hiện trạng và nghiên cứu các giải pháp tìm nguồn cát thay thế từ: cát biển, phế thải xây dựng và các loại phế thải có thể tái sử dụng được khác. Nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ vật liệu mới để giảm phát thải, tăng tính chống chịu thiên tai. Công nghệ xây dựng mới giá thành thấp để xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng cho các tỉnh ĐBSCL.
Khuyến khích sử dụng nước, phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên
Tại hội thảo, PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Cần Thơ, trình bày tham luận về các tác động hạn hán, xâm nhập mặn đến canh tác nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và cấp nước sinh hoạt tại khu vực ven biển ĐBSCL.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo. Ẩnh: HOÀNG HÙNG
Theo ông Lê Anh Tuấn, hiện trạng hạn và mặn vùng ven biển ĐBSCL: Khô hạn và xâm nhập mặn là hiện tượng bình thường hàng năm vùng ven biển ĐBSCL. Tuy nhiên, trong hơn 2 thập niên qua, hiện tượng này có xu thế gia tăng, có năm trở nên cực đoan và gây nhiều khó khăn cho sản xuất và sinh kế cộng đồng.
Hiện nay, vùng ĐBSCL tạm phân chia thành 3 vùng sinh thái nước: do tác động hạn mặn vùng sinh thái nước ngọt phía trên: ngập sâu trong mùa mưa lũ. Phần lớn đủ nước ngọt quanh năm cho việc canh tác lúa, nuôi cá và trái cây; Vùng chuyển tiếp ở giữa: ngập nông trong mùa mưa lũ, có một phần nước lợ vào mùa khô, tác động ngọt – mặn theo thủy triều, canh tác lúa, nuôi tôm và trái cây; Vùng ven biển cuối nguồn: nhiễm mặn quanh năm, thiếu nước ngọt gay gắt mùa khô, rừng ngập mặn ven biển, canh tác thủy sản nước mặn.
Mùa khô 2024 (ngày 30-4-2024), nhiệt độ không khí đã gia tăng đáng kể, cao hơn các kỷ lục đã ghi nhận nhiều hệ lụy: nhiễm mặn sâu, sốc nhiệt, tai nạn và nhiều tiêu cực khác.
Nước mùa mưa lũ về ĐBSCL giảm rõ, tình trạng giảm nguồn nước, không còn lũ lớn cả về mùa mưa (thiếu nước trong cả mùa mưa lũ) và mùa khô cộng thêm yếu tố nước biển dâng và sụt lún đồng bằng khiến xu hướng gia tăng xâm nhập mặn xâm nhập sâu hơn trong mùa khô đặc biệt những năm có sự quay trở lại của hiện tượng El-Nino.
Theo đó, các tác động lớn nhất do hạn và mặn xâm nhập: thiếu hụt mưa, bốc hơi mạnh, nhiệt độ cao, bức xạ lớn, thiếu nước tưới, canh tác kém, giảm năng suất, đất bạc màu, sông hồ cạn, nước ngầm thấp, nhiễm mặn lớn, hệ sinh thái nước bị tổn thương, thiếu nước uống, cần trợ nước khẩn, ngưng sản xuất kéo dài, kinh tế giảm sút.
Hạn hán xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sinh kế, hoạt động và sinh thái vùng ven biển. Thiếu hụt nguồn nước sạch, không đủ nước tưới, đất canh tác bỏ hoang, lượng nước sông Cửu Long hiện nay chỉ đủ cung cấp nước tưới an toàn cho 700.000 – 800.000ha đất trồng lúa. Ngoài ra, xuất hiện sạt lở, sụt lún xảy ra ở các tỉnh Cà Mau, Tiền Giang… và năm nay tình trạng cháy rừng diễn liên tiếp…
Song song với đó, nhiều địa phương xây dựng cống ngăn mặn, đê bao canh tác… vô tình khiến tình trạng mặn trở nên sâu hơn do nước tù và nước ô nhiễm. Nếu vận hành không tốt các cống vô tình khiến xâm nhập mặn nặng nề hơn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Cách đối phó với hạn – mặn hiện nay: thường xuyên cập nhật theo dõi tình hình diễn biến thời tiết, quan trắc, điều chỉnh thời vụ, sử dụng nước tiết kiệm…
PGS.TS. Lê Anh Tuấn giới thiệu mô hình luân canh lúa – tôm vùng ven biển: đây là mô hình giải quyết được “xung đột” với việc trồng lúa trên đất nuôi tôm như là một mô hình “thuận thiên một cách thông minh” của người nông dân ĐBSCL. Vào mùa mưa, có đủ nước ngọt người nông dân trồng lúa, vào mùa khô, nước bị nhiễm mặn thì lấy vào nuôi tôm. Rơm rạ phân hủy từ cây lúa là thức ăn của tôm và chất thải hữu cơ của tôm là phân bón cho cây lúa.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn đề xuất chiến lược lâu dài cho vấn đề khô hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL: giảm diện tích lúa chuyển sang thủy sản rau màu và cây ăn trái, tiết kiệm nước, khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn. Phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên, xây dựng công trình hồ chứa, đầu tư vật dụng chứa nước mưa, xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt, hạn chế khai thác nước ngầm. Đồng thời, phục hồi khả năng hấp thụ nước tự nhiên ở các vùng trũng.
“ĐBSCL không thiếu nước, vấn đề là chưa trữ lại được để sử dụng”
Trình bày về định hướng các giải pháp thủy lợi nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp và dân sinh vùng ĐBSCL, PGS.TS. Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học và Thuỷ lợi miền Nam cho biết, ĐBSCL đã, đang và vẫn là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, với nhiều lợi thế vượt trội về tài nguyên thiên nhiên đặc thù cho nông nghiệp; có lợi thế cạnh tranh cao so với các vùng khác trên thế giới.
PGS.TS. Trần Bá Hoằng. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tuy nhiên, ĐBSCL đang chịu các tác động ngoại biên nghiêm trọng, không thể đảo ngược được, bao gồm việc phát triển thượng lưu Mekong làm suy giảm phù sa và thay đổi quy luật dòng chảy; tình trạng biến đổi khí hậu – nước biển dâng; và tác động do phát triển nội tại gây lún sụt đất, hạ thấp đồng bằng với mức độ rất nghiêm trọng.
Theo PGS-TS Trần Bá Hoằng, dưới các tác động lớn với mức độ ngày càng tăng, Đồng bằng đang dần được định hình lại (so với lịch sử), với các đặc trưng cơ bản mới bất lợi hơn rất nhiều so với tự nhiên trước đây.
Từ đó, ông khuyến nghị việc phát triển ĐBSCL cần theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động kinh tế xã hội.
Cụ thể về giải pháp, PGS.TS. Trần Bá Hoằng nêu bên cạnh các giải pháp phi công trình (công tác điều hành), thì giải pháp phi công trình rất quan trọng.
Đó là các công trình để trữ nước, như trữ trong hệ thống kênh, rạch các cấp của các hệ thống thủy lợi hiện nay có khả năng đạt 2,5-3 tỷ m3 (VD: hồ Ba Lai trữ được 80 triệu m3). Trữ nước trong mương vườn bằng cách lên liếp, tạo mương trữ nước giữa các hàng cây; đào ao, bể phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình. Trữ nước trên ruộng (đối với lúa), trước thời điểm dự báo có đợt xâm nhập mặn, bơm nước lên ruộng ở mức tối đa khả năng cho phép của cây trồng. Trữ nước trong lu, bể, các dụng cụ trữ nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân phân tán, nguồn nước khô khan trong mùa khô.
Quan điểm của Bộ NNPTNT về phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL
“ĐBSCL không thiếu nước, trong mùa khô nước vẫn về ĐBSCL 60-70 tỷ mét khối, trong khi nhu cầu sử dụng chỉ khoảng 15 tỷ mét khối. Vấn đề là giữ nước để sử dụng”, PGS-TS Trần Bá Hoằng nói.
Bên cạnh đó là các công trình thủy lợi nội đồng, như công trình phục vụ Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”; hình thành các ô thủy lợi hoàn thiện, đồng bộ để chủ động cấp nước, tiêu thoát nước, trữ nước, đáp ứng được các yêu cầu hiện đại hóa trong sản xuất.
Các công trình để kiểm soát nguồn nước, xâm nhập mặn, như xây dựng các công trình kiểm soát cửa sông Vàm Cỏ, Hàm Luông, đây là các công trình lớn, bao ngoài với nhiệm vụ điều tiết mặn, ngọt, cải thiện môi trường ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre.
Đồng thời nghiên cứu, thực hiện việc xây dựng công trình kiểm soát các cửa sông còn lại như Cổ Chiên, Cung Hầu…). Nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đã được Chính phủ phê duyệt, bao gồm việc xem xét nâng cao và mở rộng mặt đê cho phù hợp với gia tăng đỉnh triều.
Ngoài các giải pháp trên, Bộ NN-PTNT cũng cho rằng cần nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn cho người dân vùng ĐBSCL. Trong đó, ở vùng ngọt và vùng ngọt có ảnh hưởng mặn thì sử dụng nguồn nước từ sông chính, các kênh trong hệ thống thủy lợi (sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông cho những khu vực gần sông chính tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang). Với các vùng mặn ngọt luân phiên và vùng lợ mặn thì sử dụng kết hợp các nguồn: Dẫn nước từ vùng ngọt về, sử dụng nước ngầm (hạn chế), xây dựng hồ trữ nước ngọt. Cùng với đó là xây dựng các hồ chứa phân tán.
ĐBSCL là vùng sản xuất – xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất cả nước, đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại… Với những đặc điểm và lợi thế nêu trên, ĐBSCL được xem là “vựa nông sản” của cả nước.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng, nguồn nước ngầm suy giảm và sự hình thành nhiều đập thủy điện ở khu vực thượng nguồn sông Mekong khiến vùng ĐBSCL đối mặt với sụt lún, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất – sinh hoạt… ngày càng nghiêm trọng. Đáng lo ngại hơn, sản lượng lương thực của vùng đang có chiều hướng suy giảm, sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia. Trong tương lai, vùng đất này có nguy cơ chìm dưới mực nước biển…
Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong, TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước. ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia. Giữa TPHCM và các địa phương vùng ĐBSCL luôn có mối quan hệ mật thiết, gắn bó, tương hỗ lẫn nhau trong quá trình phát triển. Thời gian qua, chứng kiến các địa phương vùng ĐBSCL gánh chịu hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn… gây ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn đau đáu, xót xa.
Từ những trăn trở này, Báo SGGP (Cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam TPHCM; tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM) phối hợp với UBND TP Cần Thơ và Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, ĐHQG-HCM tổ chức hội thảo với chủ đề “Giải pháp cấp thiết bảo vệ ĐBSCL”. Mục đích của hội thảo nhằm góp phần đánh giá đúng thực trạng và tác động của biến đổi khí hậu hiện nay, từ đó đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để vùng ĐBSCL thích nghi, ứng phó hiệu quả hơn, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.