Mặc dù có thể tái tạo, các nguồn tài nguyên sinh học phải được khai thác một cách bền vững. Trong khi tài nguyên phi sinh học có thể được phục hồi và tái chế về chất lượng ban đầu, tài nguyên sinh học suy giảm chất lượng ở các chu trình sử dụng tiếp theo và do đó, cần được tối ưu hóa thời gian và số lần sử dụng. Ngoài ra các nguồn tài nguyên sinh học phải được trả lại an toàn cho sinh quyển dưới dạng chất dinh dưỡng để góp phần tái tạo các hệ sinh thái. Kinh tế tuần hoàn (KTTH) hiện tại thiếu các tiêu chí đánh giá kỹ lưỡng các đặc điểm này.
Các tiêu chí đánh giá KTTH hiện tại không xem xét hết các đặc điểm chính của các chu trình sinh học
Các tiêu chí đánh giá KTTH hiện tại không xem xét hết các đặc điểm chính của các chu trình sinh học như khả năng tái tạo, tiềm năng tối ưu hóa thời gian và số lần sử dụng, khả năng phân hủy sinh học và trả lại hệ sinh thái gần giống với chu trình dinh dưỡng, và tác động môi trường của các chu trình sinh học liên quan trực tiếp đến việc khai thác tài nguyên và các dòng chảy carbon sinh học.
Bổ sung các tiêu chí nhằm đánh giá chính xác quá trình chuyển đổi theo hướng chu trình sinh học tuần hoàn
Các tiêu chí này bao gồm (i) Tăng cường sử dụng các nguồn tài nguyên có nguồn gốc bền vững; (ii) Tối đa hóa giá trị bằng cách xác định cách thức sử dụng tài nguyên tốt nhất liên quan đến việc đa dạng hóa các mục đích sử dụng và nguồn đầu vào; (iii) Tăng cường khả năng phân tách và phân hủy sinh học của các vật liệu có nguồn gốc sinh học, giảm sự hiện diện của các chất độc hại trong chất thải ra môi trường, và tăng cường sự trả lại các chất dinh dưỡng cho môi trường, đúng chỗ và với tốc độ đủ duy trì sự tái tạo của hệ sinh thái; và (iv) Xem xét tác động của việc khai thác tài nguyên sinh học đối với các dịch vụ hệ sinh thái, cụ thể là do các biện pháp liên quan đến việc sử dụng đất và sự suy giảm tài nguyên, cũng như tác động khí hậu toàn cầu lên việc cân bằng carbon thông qua việc tính toán quá trình hấp thụ, lưu trữ và giải phóng carbon sinh học.
Việc sử dụng các nguồn tài nguyên sinh học không phải lúc nào cũng tuần hoàn và bền vững
Để đảm bảo cho các chu trình sinh học được tuần hoàn, các nguồn tài nguyên sinh học phải được khai thác ở tốc độ bền vững lâu dài, tối ưu hóa thời gian và số lần sử dụng, cũng như phân hủy vào cuối vòng đời sản phẩm và trả lại sinh quyển để hỗ trợ tái tạo hệ sinh thái. Ngoài ra, tác động môi trường của các chu trình sinh học đến đa dạng sinh học, sức khỏe và chức năng của hệ sinh thái cần phải được xem xét.
Phát triển khung đánh giá KTTH đầy đủ
Một khung đánh giá KTTH đầy đủ nên bao gồm các tiêu chí (i) Sử dụng các nguồn sinh khối bền vững, (ii) Tối ưu hóa số lần và thời gian sử dụng, (iii) Mức độ các nguồn dưỡng chất được trả lại chu trình sinh học và dòng chảy carbon, và (iv) Đánh giá tác động môi trường liên quan đến các chu trình sinh học. Các tiêu chí và khung đánh giá từ các lĩnh vực khác có liên quan có thể hỗ trợ để lấp đầy các khoảng trống này.
Nguồn: Kranti Navare, Bart Muys, Karl C. Vrancken, Karel Van Acker. Circular economy monitoring – How to make it apt for biological cycles? Resources, Conservation & Recycling. 170 (2021) 105563.
Tóm dịch bởi Ts. Nguyễn Minh Tú.