Áp dụng canh tác theo mô hình VAC nhưng ứng dụng thêm công nghệ sinh học, Vinamit đã tái sinh được một vùng đất bạc màu và đang mong muốn xây dựng mô hình tuần hoàn trong các nông trại.

3 giờ 30 phút nắng chói chang, ca làm việc buổi chiều tại trang trại Phú Giáo (Bình Dương) của công ty cổ phần Vinamit bắt đầu. Trong vườn rau cải, ba công nhân đầu đội nón lá, khẩu trang vải trùm kín mít ngồi nhổ cỏ cho luống rau non, cách duy nhất để giảm cỏ ở các luống rau, tương tự như việc làm tơi đất bằng cuốc chim trước mỗi lần gieo hạt. “Thực ra tôi quá lý tưởng với nông trường này. Đất quá nghèo, độ mùn chỉ còn 1%, nước không có, không hoàn hảo để làm nông nghiệp hữu cơ. Để làm được, tôi phải bỏ rất nhiều công lực,” ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch Vinamit nói với Forbes Việt Nam trong cuộc trò chuyện đầu tháng 6.2022 tại TP.HCM cách nông trường 2,5 giờ xe hơi chạy.

Từ lối rẽ nông nghiệp hữu cơ bắt đầu 10 năm trước, Vinamit hiện là nhà sản xuất rau trái đạt chứng nhận hữu cơ có sản lượng lớn tại Việt Nam. Doanh nghiệp tư nhân này tìm ra phương pháp để giải bài toán khó nhất trong canh tác hữu cơ, áp dụng mô hình tuần hoàn và tạo nên một hình mẫu cho nông nghiệp Việt Nam.

Trang trại của Vinamit nằm tại Phước Sang, Phú Giáo, huyện xa nhất của tỉnh Bình Dương, giáp ranh với Bình Phước. Khu đất rộng 200 héc ta này vốn là nông trường trồng thử nghiệm các loại cây ăn trái tại miền Đông của đại học Cần Thơ, được ông Viên mua lại từ năm 2003. Đầu những năm 2010, xu hướng về thực phẩm hữu cơ bắt đầu bùng nổ ở Mỹ và châu Âu nhưng xa lạ tại Việt Nam. Ông Viên chuyển đổi và thực hành quy trình canh tác hữu cơ nghiêm ngặt ở trang trại vốn trồng mít giống nhiều nhất này.

Tháng 12.2016, Vinamit được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và liên minh châu Âu (EU) cho các sản phẩm canh tác tại đây. “Chúng tôi thực hành canh tác hữu cơ nhưng với mô hình trang trại không đầu vào, mọi thứ tuần hoàn bên trong,” ông Viên nói.

Trang trại nuôi heo lấy phân và thu mua thêm phân bò ở trang trại nuôi kế bên. Phân này sau đó được xử lý để bón lót trực tiếp cho cây hoặc trộn với giá thể ươm rau. Nước tưới tiêu được dẫn về từ đập Suối Giai cách đó 10km, chứa trong hồ rồi theo các đường ống đi khắp trang trại. Phụ phẩm từ trái cây sau chế biến ở nhà máy Bến Cát như bã mía, vỏ mít, rỉ mật chuối… quay lại trang trại để làm phân bón đất. Ngay cả nước dùng để sơ chế rau trước khi đóng gói xuất cho siêu thị cũng được dùng lại để tưới cho cây. Tùy theo tình hình và nhu cầu thị trường, ban điều hành trang trại sẽ điều chỉnh chủng loại và sản lượng các loại rau củ quả sản xuất mỗi vụ.

Quý, nữ kỹ sư làm việc từ năm 2017 tại Vinamit đến nay, dẫn phóng viên Forbes Việt Nam đi thăm trang trại, giới thiệu cặn kẽ từng quy trình làm đất, chăm bón rau, cách phòng chống sâu bệnh như trồng cây nem làm tinh dầu phun lên vườn hay trồng hoa có màu sắc sặc sỡ khắp nơi để thu hút côn trùng. Mỗi kỹ sư như Quý sẽ phụ trách một khu vực, chuyên trồng một số loại rau và được nghiên cứu và quyết định dùng gì cho đất, gieo trồng. Nguyên tắc canh tác luôn giữ nhưng cách thức thì có thay đổi theo hướng hoàn thiện hơn.

Đó chỉ là một phần trong phương pháp nông nghiệp hữu cơ của ông Viên, kỹ sư đại học Nông lâm TP.HCM, làm nghiên cứu sinh nông nghiệp công nghệ cao tại Đài Loan nhưng từng học cơ khí và khởi nghiệp bằng doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Điểm cốt yếu là cân bằng hệ vi sinh vật để từ đó phân giải các chất hữu cơ, tăng độ mùn, tái tạo đất, làm nền tảng phòng chống sâu bệnh. “Chúng tôi phân lập đất để tìm ra các vi sinh vật bản địa có tính mạnh, phù hợp nhất, thực hiện tăng sinh trong phòng thí nghiệm rồi trả lại cho cánh đồng để chúng làm chiến binh chống lại vi sinh vật có hại,” ông Viên mô tả.

Doanh nhân 61 tuổi nhấn mạnh đây là cách duy nhất rút ngắn thời gian tạo ra môi trường sản xuất hữu cơ đúng nghĩa, trong đó cây trồng chống chịu được sâu bệnh một cách tự nhiên. Bởi lẽ, nguyên lý của nông nghiệp hữu cơ là không dùng hóa chất mà thay bằng vi sinh vật để phòng chống sâu bệnh từ gốc. Vi sinh vật bao gồm có lợi và có hại tồn tại sẵn trong môi trường đất, không khí. Việc còn lại là làm sao để những “con” có lợi mạnh hơn, nhiều hơn con có hại để bảo vệ cây.

“Chờ chúng tăng sinh một cách tự nhiên thì phải mất hàng chục năm. Vậy thì làm gì còn năng suất, có sản phẩm để đảm bảo dòng tiền, duy trì hoạt động. Nhiều người làm nông nghiệp hữu cơ trước đây đã chết ở chính điểm gút này, chưa nói đến chuyện thị trường, giá sản phẩm,” ông Viên phân tích.

Trinh, kỹ sư làm việc tại trung tâm sản xuất sinh học mà ông Viên lập ra ngay tại trang trại Phú Giáo, kể việc phân lập đất để tìm ra vi sinh vật có lợi đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì. Tìm được rồi thì phải có cách nuôi dưỡng, tăng số lượng, thử nghiệm tới lui thành công rồi mới sản xuất đại trà. Nếu thất bại, quy trình làm đi làm lại là chuyện thường ngày. Trải nghiệm trên cánh đồng, trong phòng thí nghiệm giúp cô kỹ sư trẻ sinh ra ở Bến Tre thấm thía, thiên nhiên vốn diệu kỳ, cứ kiên trì trả lại những gì vốn có của đất thì đất sẽ hồi sinh, cũng giống như chuyện canh tác hữu cơ với cha mẹ em, cứ nghe con gái nói hoài về nông nghiệp sạch, không phân thuốc thì “riết cũng hiểu và làm theo với mấy công ruộng trồng dừa ở Mỏ Cày Nam.”

Vườn trồng khổ qua tại trang trại Phú Giáo. Ong được nuôi ngay trong vườn để thụ phấn cho quả. Ảnh: Minh Tâm

Ông Viên cho biết các kỹ sư trẻ như Trinh, Quý là những người ông tuyển dụng khi họ vừa tốt nghiệp nên dễ đào tạo và tuân thủ quy trình sản xuất, vì họ đã được nghe về canh tác hữu cơ ở trường đại học. Trang trại Phú Giáo hiện có 10 kỹ sư đang làm việc và sống ở nhà tập thể nằm giữa nông trang. Ban ngày làm việc, tối họ lên mạng học trực tuyến văn bằng hai hoặc nghe “chú Viên” nói chuyện. Trước đó, ở giai đoạn đầu lập trang trại, ông Viên từng bị chính những kỹ sư làm việc tại đây giấu thuốc hóa học trong rừng cây rồi lén đem ra xài vì “không thể tin không dùng thuốc hóa học mà cây có thể sinh trưởng”.

“Đó là thời kỹ sư học trong trường không được nghe về canh tác hữu cơ mà chỉ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật là dùng phân, thuốc hóa học. Tư duy đó đã ăn sâu vào nhiều người và không thể thay đổi,” ông Viên kể về lần phải cho cả ban điều hành trang trại nghỉ việc. Nông trang này cũng từng bị cơ quan chức năng thanh tra, đặt câu hỏi về hiệu quả khai thác khi có “rất nhiều khu bỏ trống hoặc chỉ trồng cỏ!”. Trong khi đó, quan điểm của ông Viên là đất cũng cần nghỉ ngơi, cải tạo. Bỏ trống hoặc chỉ trồng cỏ là cách cho thiên nhiên nghỉ ngơi.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, đại học Quốc gia TP.HCM nhận xét, trang trại Vinamit Phú Giáo canh tác hữu cơ tốt và đã áp dụng được một phần mô hình kinh tế tuần hoàn khi tự có và kết hợp với đối tác để có nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất như phân heo, phân bò, vỏ trái cây… Mô hình tuần hoàn tại đây chưa đầy đủ do đầu ra chưa đủ cho đầu vào.

Tuy nhiên, ông Quân cho rằng cần hiểu khái niệm kinh tế tuần hoàn rộng hơn, không chỉ là sản xuất theo một vòng tròn khép kín mà còn có thể áp dụng linh hoạt và hướng tới mục tiêu cao nhất là tốt cho môi trường, cho tự nhiên. Canh tác hữu cơ về bản chất giúp tái sinh môi trường khi đất, nước không chịu tác động xấu của các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. “Lúc đó, chính người nông dân canh tác trên mảnh đất đó, không gian đó cũng được hưởng lợi về sức khỏe,” ông Quân nói với Forbes Việt Nam.

Hiện tại, trang trại Phú Giáo là nơi cung cấp 60–70% với khoảng bảy ngàn tấn mỗi năm trong tổng sản lượng rau củ quả, trái cây để Vinamit vừa bán tươi, vừa chế biến. Ông Viên thừa nhận nhờ có mảng chế biến sâu và xuất khẩu mà Vinamit mới có sức chống chịu và duy trì được trang trại nhiều năm qua, trong khi nhiều người đã bỏ cuộc vì phá sản hoặc quay lại cách làm nông nghiệp sử dụng nhiều hóa chất. Nếu Vinamit bán tươi không hết, rau củ quả sẽ được đưa về nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu.

Mỗi kỹ sư phụ trách một số vườn và được tự nghiên cứu, đề xuất cách canh tác. Ảnh: Minh Tâm

Thị trường thực phẩm hữu cơ trong nước, theo ông Viên, đến hiện tại đã có nhưng vẫn chưa phổ cập vì nhiều lý do. Ngoài giá bán cao, nguồn cung hạn chế thì còn một lý do nữa là quan điểm về khẩu phần ăn của đại đa số người dân: ăn nhiều đạm động vật, tinh bột mà ít rau xanh, trái cây và đạm thực vật. Đến hiện tại, xuất khẩu các sản phẩm sau chế biến như trái cây sấy dẻo, sấy chân không, sấy lạnh, nước trái cây, rau củ đông khô… và một lượng nhỏ tươi vẫn đóng góp tới 70% doanh thu cho Vinamit.

Sau Phú Giáo, ông Viên đã có thêm nhiều trang trại khác nằm ở Khánh Hòa, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Nai, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang. Những nông trang nhỏ hơn này cũng đã được chứng nhận canh tác hữu cơ, cũng có chăn nuôi và thu mua thêm phân bò, phân heo từ khu vực lân cận để làm đầu vào cho nông trường. “Những trang trại này chỉ bỏ ra công sức bằng 5–10% của trang trại ở Bình Dương mà hiệu quả đã cao hơn. Trái thơm trồng ở Đắk Nông to gấp đôi trồng ở Phú Giáo. Vì đất còn mùn nhiều, nước suối sẵn,” ông Viên cho biết.

Vì vậy, ông Viên đang muốn tìm kiếm một nơi diện tích lớn, thuận lợi hơn để canh tác hữu cơ với mô hình tuần hoàn. Ông Viên tin rằng nền nông nghiệp Việt Nam sau nhiều năm chạy theo năng suất bằng lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thâm canh vẫn còn cơ hội để sửa sai nếu có sự chung sức của nhà quản lý, nhà khoa học và người nông dân. Trong đó, quan trọng và khó nhất, theo ông Viên, từ chính bài học của mình là thay đổi tư duy.

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 107, tháng 7.2022, chuyên đề “Nền kinh tế tuần hoàn”