Một trong những cách hiệu quả nhất để thế giới xây dựng khả năng chống chịu với các đại dịch trong tương lai và biến đổi khí hậu là chuyển sang một nền kinh tế tuần hoàn. Có nghĩa là các hoạt động kinh tế dần dần tách rời khỏi việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên hữu hạn và giảm thiểu chất thải, điều này được củng cố bằng việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, mô hình tuần hoàn xây dựng vốn kinh tế, tự nhiên và xã hội, đồng thời tái tạo các hệ thống tự nhiên để các nguồn tài nguyên trên hành tinh không bị cạn kiệt. Sự thay đổi trong cách sản xuất và sử dụng sản phẩm có thể làm giảm mức phát thải khí nhà kính toàn cầu tới 45% và đóng góp quan trọng vào việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Chủ đề chính của Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn và 3R Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 10 là “Thúc đẩy nền Kinh tế Tuần hoàn ở Châu Á – Thái Bình Dương hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) trong đại dịch COVID-19”. Diễn đàn do Bộ Môi trường của Chính phủ Nhật Bản (MOEJ) và Trung tâm Phát triển Khu vực của Liên hợp quốc (UNCRD) thuộc Cơ quan phụ trách các Mục tiêu Phát triển Bền vững (DSDG) đồng tổ chức. Theo như các cuộc thảo luận trong Diễn đàn, Kinh tế tuần hoàn đang được đưa vào chương trình Nghị sự của nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Các nhà khoa học, các nhà sản xuất công nghiệp và các nhà hoạch định chính sách nhận thức rõ hơn rằng tất cả chúng ta đều cần một sự thay đổi có hệ thống trong cách tiêu dùng và sản xuất.
3R và Kinh tế Tuần hoàn: Sự cam kết đối với các SDGs
Các đô thị sinh thái và khu công nghiệp sinh thái đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các nguyên tắc 3R: Reduce (Giảm thiểu), Reuse (Tái sử dụng) và Recycling (Tái chế). Ở châu Á, sự luân chuyển cộng sinh và hợp tác các nguồn lực giữa các đô thị và khu công nghiệp là cần thiết để đạt được sự bền vững. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người và gián tiếp ảnh hưởng đến việc thực hiện các hoạt động để đạt được SDGs.
Cơ hội để cải thiện môi trường làm việc của bộ phận hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải
Một số quốc gia đã thiết lập các chính sách kinh tế tuần hoàn và 3R để đảm bảo quản lý tài nguyên và chất thải bền vững, đồng thời bảo đảm sự an toàn của những người xử lý chất thải. Tuy nhiên, việc tăng cường các sản phẩm sử dụng một lần và mua sắm vô độ trong đại dịch COVID-19 đã kích thích tăng sản xuất và tiêu thụ, điều này gây ảnh hưởng lớn đến các nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm nhựa.
Những người xử lý chất thải thường xuyên tiếp xúc với các bề mặt chất thải, do đó có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm vi rút cao hơn khi vận chuyển và phân loại chất thải. Vì vậy, đại dịch đã khơi ra và làm trầm trọng thêm các vấn đề tồn tại từ trước, chẳng hạn như bất bình đẳng và bất cập ở các khu vực đô thị. Những điều này được biểu hiện bằng sự bất bình đẳng về không gian (tình trạng quá đông đúc, không đủ nhà ở), hạn chế tiếp cận các dịch vụ y tế và các dịch vụ thiết yếu khác của đô thị, đặc biệt là nước và điều kiện vệ sinh, giao thông đô thị và không đủ không gian công cộng.
Nền kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu việc khai thác tài nguyên, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, kéo dài thời gian tuần hoàn nguyên vật liệu và mang lại khả năng phục hồi trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và các đại dịch toàn cầu như COVID-19 để “Xây dựng lại tốt hơn” và “Suy nghĩ lại” về các hình thức sản xuất và tiêu dùng của chúng ta.
Quản lý nhựa tuần hoàn có thể ngăn chặn rác thải nhựa đại dương
Các giải pháp kinh tế hướng đến xử lý nhựa là rất quan trọng để quản lý chất thải nhựa tốt hơn. Hiện chỉ có 9% chất thải nhựa trong khu vực được tái chế, 79% được đưa đi chôn lấp và thải ra môi trường biển.
Cộng tác và Số hóa có thể là động lực thúc đẩy sự tuần hoàn
Để thúc đẩy Kinh tế Tuần hoàn và 3R ở Châu Á – Thái Bình Dương, cần có sự hợp tác nhiều hơn nữa giữa chính phủ, các tổ chức nghiên cứu và khu vực tư nhân. Mỗi bên đều có vai trò riêng: chính phủ đóng góp về mặt chính sách và quy định; các viện nghiên cứu và tổ chức học thuật giúp phát triển công nghệ và xây dựng nền tảng kiến thức; từ đó khu vực tư nhân sẽ thực hiện.
Nghiên cứu và phát triển về các biện pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên là cơ sở để hướng đến phát triển tuần hoàn và bền vững. Bên cạnh đó, công nghệ kỹ thuật số và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mang đến cơ hội mới để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Cần có nỗ lực chung và hợp tác để lấp đầy những khoảng trống lớn ở các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về chính sách, thể chế, can thiệp công nghệ, đầu tư và tài chính, cũng như sự sẵn có của dữ liệu và thông tin đáng tin cậy để đạt được tiềm năng thực sự của việc (tái) sử dụng các dòng chất thải khác nhau.
Việc thiết lập một nền kinh tế tuần hoàn có thể san bằng hoặc thậm chí đảo ngược một số xu hướng hiện đang đe dọa sự tồn tại của thế hệ tương lai. Đó là cách tốt nhất để xây dựng khả năng phục hồi chống lại các đại dịch trong tương lai và tác động của biến đổi khí hậu.