Ngày 20/03/2022, Tại UBND huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn – Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Ủy Ban Nhân Dân huyện Côn Đảo đồng tổ chức Hội thảo “Thực trạng kinh tế xã hội huyện Côn Đảo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nghiên cứu và ứng dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn, phục vụ phát triển bền vững” tại Hội trường UBND huyện Côn Đảo. Hội thảo nằm trong khuôn khổ nội dung Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững huyện Côn Đảo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2022 – 2026” do Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.
Hội thảo do Ông Nguyễn Công Danh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ông Huỳnh Trung Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo và PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (KTTH) – Đại học Quốc gia TP.HCM đồng chủ trì.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến từ các chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế tuần hoàn – Đại học Quốc gia TP.HCM, Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, Lãnh đạo các phòng ban thuộc UBND huyện Côn Đảo và đặc biệt, Hội thảo đã ghi nhận nhiều đóng góp ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và đại diện các khu dân cư trên địa bàn Huyện Côn Đảo.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Ông Huỳnh Trung Sơn- Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho rằng: Việc áp dụng mô hình KTTH cho Côn Đảo một mặt có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, mặt khác giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái, chủ động ứng phó với những thay đổi môi trường (bao gồm biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng) đáp ứng các yêu cầu, chủ trương phát triển bền vững, tăng trưởng Xanh mà Đảng và nhà nước đề ra. Từ những phân tích trên cho thấy, việc nghiên cứu áp dụng mô hình KTTH cho huyện đảo Côn Đảo là một nhu cầu cấp thiết cần được xem xét thực hiện.
Ông Huỳnh Trung Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo phát biểu chào mừng Hội thảo
Tại hội thảo, Ông Nguyễn Công Danh, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chia sẻ quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tuần hoàn, mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bảo vệ và nhân rộng sự đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên trong giai đoạn mới. Trong đó, nhấn mạnh các quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tới sự phát triển bền vững của huyện Côn Đảo. Ông khẳng định “Phát triển bền vững, vì mục tiêu tăng trưởng Xanh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, xây dựng; quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường; tăng khả năng dự báo, chất lượng của các đồ án quy hoạch, đáp ứng yêu cầu huy động được nguồn lực xã hội, khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân là yêu cầu và ưu tiên cấp thiết hiện nay của Đảng bộ, chính quyền Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung và của huyện Côn Đảo nói riêng”.
Ông Nguyễn Công Danh chia sẻ tại Hội thảo
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn đã giới thiệu lý thuyết về KTTH và kinh nghiệm thực tế áp dụng thành công tại một số điển hình có điều kiện tự nhiên – xã hội và địa lý tương tự Côn Đảo, lợi ích của mô hình kinh tế tuần hoàn trong định hướng phát triển bền vững tại huyện Côn Đảo. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân “KTTH có thể coi là một công cụ giải quyết bài toán kinh tế – môi trường nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. KTTH giúp giảm thiểu ô nhiễm, giảm thải phát thải khí nhà kính, giảm nguyên vật liệu sơ cấp, bảo tồn, phục hồi nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao hiệu quả cạnh tranh, tạo thị trường mới cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, gia tăng các giá trị xã hội, có thể đáp ứng 10/17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Tại Hội thảo, sau khi phân tích sự cần thiết để áp dụng mô hình KTTH tại Côn Đảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân cũng đã đề xuất một số định hướng nhằm mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội huyện Côn Đảo bền vững như mô hình KTTH du lịch Xanh, mô hình KTTH hướng tới phát thải bằng “không”, mô hình KTTH trong nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng như ở một số lĩnh vực khác.
Để ứng dụng thành công mô hình KTTH ở Côn Đảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân cũng đã chỉ rõ những cơ hội và thách thức hiện nay trong triển khai các nội dung của Đề án.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân trình bày tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo đề xuất các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác để tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại, khai thác thủy sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường Vườn quốc gia Côn Đảo. Khuyến khích và tạo điều kiện để cộng đồng nuôi, trồng thủy hải sản, đánh bắt thủy sản xa bờ phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch, giảm dần việc khai thác thủy sản tự nhiên gần bờ. Khuyến khích cộng đồng hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần; sử dụng sản phẩm dùng nhiều lần; tái chế các vật dụng, sản phẩm từ rác thải. Xử lý các phương tiện thủy nội địa hoạt động không đúng luồng lạch ảnh hưởng đến sinh cảnh của các loài Bò biển, Rùa biển. Đánh giá sức tải môi trường Côn Đảo để xác định lượng khách du lịch đến với Côn Đảo phù hợp với sức tải. Trong bảo tồn đa dạng sinh học phải có các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo
Hội thảo ghi nhận các ý kiến phát biểu từ đại diện Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), bài tham luận đã phân tích cụ thể thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại Côn Đảo, gắn vấn đề rác thải nhựa tại Côn Đảo với vấn đề rác thải nhựa của toàn cầu, từ đó đưa ra các chương trình, kế hoạch kêu gọi sự hợp tác thống nhất từ chính quyền các cấp tới người dân chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, tiến tới tương lai không rác thải nhựa.
Bà Nguyễn Mỹ Quỳnh – Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF)
Triển khai thực hiện Đề án, Chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn – Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã trình bày kết quả các bước nghiên cứu, khảo sát ban đầu đối với thực trạng kinh tế – xã hội huyện Côn Đảo. Từ đó, đề xuất các định hướng, các đề xuất mà đề án hướng tới, nhằm phục vụ phát triển bền vững huyện Côn Đảo.
TS. Lê Quang Dũng trình bày kết quả khảo sát sơ bộ tại huyện Côn Đảo
Đặc biệt, tại Hội thảo cũng đã ghi nhận những nhận định, ý kiến đóng góp từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ý kiến từ đại diện Khu dân cư trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Côn Đảo. Từ đó, Hội thảo sẽ giúp nâng cao nhận thức về việc ứng dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn, những ưu điểm, lợi ích vượt trội mà mô hình này có thể mang lại cho sự phát triển bền vững của Côn Đảo.
Kết quả, nội dung trao đổi tại Hội thảo sẽ được Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tập hợp, nghiên cứu, phục vụ phát triển Đề án.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Phan Đức Thái, Chuyên viên ICED