Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), kinh tế tuần hoàn cần được hiểu rộng hơn phạm vi tái chế, xử lý rác thải.
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED).
Câu chuyện về hướng đi của ngành năng lượng đang nóng hơn bao giờ hết, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra cam kết phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050.
Tuy nhiên, các nghiên cứu của McKinsey và quỹ Ellen MacArthur chỉ ra, việc chuyển đổi năng lượng chỉ đóng góp khoảng 50 – 60% vào tiến trình đưa phát thải ròng bằng không. Nói cách khác, Việt Nam chắc chắn sẽ thất bại trong việc thực hiện cam kết tại COP26 nếu chỉ tập trung vào năng lượng.
Phần đóng góp còn lại được các tổ chức chỉ ra đến từ kinh tế tuần hoàn. Để đóng vai trò quan trọng như vậy, kinh tế tuần hoàn cần được hiểu rộng hơn phạm vi tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải.
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), định nghĩa, kinh tế tuần hoàn là một hệ thống kinh tế nền tảng các mô hình kinh doanh, sao cho khái niệm kết thúc vòng đời được thay thế bằng giảm sử dụng, tái sử dụng, tái chế và phục hồi vật liệu.
Với bản chất là các mô hình kinh doanh, kinh tế tuần hoàn có thể áp dụng ở các cấp độ, từ người tiêu dùng, nhà máy, công ty cho đến thành phố, quốc gia và xuyên quốc gia.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), cho biết, kinh tế tuần hoàn là “bước tiến tiếp theo nữa của kinh tế tái chế”. Kinh tế tuần hoàn bao hàm cả chu trình từ khai thác tài nguyên, thiết kế, sản xuất cho đến lưu thông, tiêu dùng, tất cả đều phải đảm bảo tối thiểu hóa phát thải.
Tận dụng cơ hội từ kinh tế tuần hoàn
Nói về vai trò của kinh tế tuần hoàn, ông Quân cho biết, đây là giải pháp đóng góp trực tiếp cho 9/17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đồng thời đóng góp gián tiếp cho nhiều mục tiêu còn lại.
Kinh tế tuần hoàn đem lại các giá trị to lớn, vượt ra ngoài lợi ích môi trường, có thể kể đến như tạo công ăn việc làm, tạo thị trường mới có giá trị cao, nâng cao tính minh bạch, tăng cường khả năng chống chịu của doanh nghiệp, gìn giữ và kiến tạo giá trị về văn hóa, xã hội.
Theo Viện trưởng ICED, việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm với môi trường mà còn là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm cơ hội kinh tế mới. Cùng với đó, các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực tưởng chừng “không liên quan” như du lịch, dịch vụ… cũng có thể tham gia vào kinh tế tuần hoàn.
Như vậy, một số doanh nghiệp cung ứng dịch vụ kinh tế chia sẻ như ứng dụng đặt xe (Grab, Gojek), chia sẻ phòng cho thuê (Airbnb) thực chất cũng là đang tham gia một phần vào kinh tế tuần hoàn, thông qua việc tận dụng nguồn lực sẵn có trong xã hội.
Ở Việt Nam, mô hình kinh tế tuần hoàn sơ khai đã xuất hiện từ sớm. Đó là những mô hình vườn – ao – chuồng; vườn – ao – chuồng – rừng… giúp người nông dân tận dụng chất thải làm phân bón, chất đốt. Khi đó, chưa đưa ra khái niệm kinh tế tuần hoàn nhưng người dân thực hiện rất tích cực bởi đem lại giá trị rõ rệt về kinh tế.
Thực tiễn này cho thấy, để triển khai kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp cần nhìn ra được cơ hội kinh tế từ những thứ tưởng chừng không có giá trị. Ông Quân lấy ví dụ, những phụ phẩm của ngành thủy sản trước đây thường bị thải bỏ ra môi trường nhưng hiện tại đang được một số đơn vị thu gom lại để sản xuất các chất như chitosan, omega-3… có giá trị kinh tế rất cao.
“Kinh tế tuần hoàn có thể được áp dụng trên nhiều lĩnh vực kinh tế khác, có thể kể đến như năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp, xe điện, đô thị thông minh…”, ông Quân nhận xét.
Phạm Sơn
Nguồn: Báo TheLeader