Đông Nam Bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ cũng đang đứng trước những nguy cơ, thách thức đến sự phát triển bền vững của vùng, cần phải có giải pháp xử lý.

PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân có những phân tích tại diễn đàn.

Phân tích những thách thức này, PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trích dẫn một số nhận định được nêu trong dự thảo Báo cáo mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát ra cách đây ít hôm để tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong đó, chỉ tiêu phát triển kinh tế chưa đáp ứng kỳ vọng; đô thị hóa, công nghiệp hóa thiếu bền vững; mạng lưới kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu; hạ tầng xã hội chưa theo kịp; đóng góp khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế còn hạn chế; hợp tác, liên kết vùng còn nhiều bất cập. Đặc biệt, quá trình phát triển của khu vực này còn tiềm ẩn nguy cơ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường nước, không khí, suy giảm diện tích rừng tự nhiên, thoái hóa tài nguyên đất, suy giảm chất lượng cuộc sống các khu đô thị, tác động của biến đổi khí hậu… là những vấn đề nổi cộm mà Đông Nam Bộ cũng đang phải đối diện.

Cần lồng ghép kinh tế số và kinh tế tuần hoàn (tính liên vùng, liên ngành). Ảnh minh họa.

Xuất phát từ thực tiễn đó, theo ông Quân, việc tìm kiếm và áp dụng các mô hình phát triển kinh tế mới đã và đang là một yêu cầu hết sức cần thiết và cấp bách được Đảng và Nhà nước đặt ra.

Vị diễn giả đưa ra gợi mở về 2 mô hình kinh tế mới hiện nay (kinh tế số và kinh tế tuần hoàn), cũng như sự cần thiết phải liên kết, tích hợp các mô hình kinh tế (thay vì nhìn nhận, tiếp cận rời rạc) nhằm phát huy các giá trị, huy động nguồn lực triển khai trong thực tế. Các mô hình kinh tế cần áp dụng cho các ngành và lĩnh vực khác nhau: nông – lâm nghiệp, công nghiệp, đô thị, dịch vụ, năng lượng…

Vì thế, ông Quân cho rằng để phát triển được, cần quan tâm đến khả năng lồng ghép kinh tế số, kinh tế tuần hoàn (tính liên vùng, liên ngành, liên lĩnh vực) vào quy hoạch vùng, địa phương; kế hoạch tăng trưởng xanh đang triển khai thực hiện, bên cạnh việc tìm kiếm sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp lớn, các nguồn tài chính “xanh”.

PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân cũng khuyến nghị cần lồng ghép kinh tế số, kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch, phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ.

Đặc biệt, cần quán triệt nhận thức đầy đủ rằng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đều là những lĩnh vực mới, đòi hỏi tính đổi mới, sáng tạo mô hình thử nghiệm, thí điểm; là một quá trình có tính dài hạn, có tính liên tục, đòi hỏi quyết tâm nỗ lực, nhận thức, năng lực, sự tham gia của xã hội.

“Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là xu thế tất yếu của thế giới. Còn Đông Nam Bộ thì có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển kinh tế đô thị, dịch vụ, công/nông/lâm nghiệp một cách bền vững” – ông Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.

Mục tiêu đào tạo nhân lực chuyển đổi số của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

1. Xây dựng mô hình giáo dục đại học số trên nền tảng hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học để tăng gấp đôi quy mô trong điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2030.

2. Xây dựng hệ sinh thái công nghệ số mở có khả năng chia sẻ và kết nối hệ thống các trường đại học Việt Nam với quốc tế.

3. Đến 2030, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm hàng đầu của khu vực về đào tạo nhân lực công nghệ số.

Hồng Vân

Nguồn: Thời Báo Tài Chính VN

Đọc thêm thông tin về Hội thảo tại https://nhandan.vn/thuc-day-phat-trien-kinh-te-xanh-o-vung-dong-nam-bo-post707956.html