Nghiên cứu mới đây của công ty DNV và Hội đồng Doanh nghiệp thế giới vì sự phát triển bền vững (WBCSD) cho thấy kinh tế tuần hoàn đang trở thành chương trình nghị sự của nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang mô hình này vẫn đang bộc lộ nhiều thiếu sót.

Mô hình sản xuất và tiêu dùng truyền thống, còn được gọi là kinh tế tuyến tính đang dần trở nên lỗi thời và bộc lộ nhiều mặt trái. Trong bối cảnh đó, mô hình kinh tế tuần hoàn được khuyến khích với kỳ vọng tạo ra “vòng lặp vô hạn” cho vật chất, tạo ra lợi ích bền vững cho cả kinh tế, xã hội và môi trường.

Đối với các doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi sang mô hình sản xuất và kinh doanh tuần hoàn dường như đang trở thành điều tất yếu. Công ty nghiên cứu DNV nhận định, quá trình chuyển đổi sang mô hình tuần hoàn của các doanh nghiệp có sự thúc đẩy của những động lực của bên trong lẫn bên ngoài.

Trong đó, động lực bên trong là những lợi ích doanh nghiệp có thể đạt được, bao gồm tối ưu chi phí, xây dựng hình ảnh thương hiệu bền vững và thân thiện với môi trường… Động lực bên ngoài là những quy định, chính sách của nhà nước cũng như các tiêu chuẩn thị trường đang ngày càng yêu cầu cao.

Các tập đoàn, công ty lớn cũng đang có xu hướng liên kết với nhau để tạo ra những liên minh thúc đẩy mô hình tuần hoàn, mô hình bền vững, có thể kể đến như Quỹ Ellen Mc Athur, Hội đồng Doanh nghiệp thế giới vì sự phát triển bền vững (WBCSD). Ở Việt Nam cũng có một số tổ chức như Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), chương trình Việt Nam Tái chế…

Khoảng trống trong kinh tế tuần hoàn

Khảo sát của DNV tiến hành với gần 800 doanh nghiệp trên thế giới cho thấy, gần 60% doanh nghiệp cho biết động lực lớn nhất để chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn là tiết giảm chi phí sản xuất.

Chính từ động lực này, các phương án của doanh nghiệp chủ yếu tập trung và đổi mới về quy trình và sản phẩm. Cụ thể, gần 40% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đang cải tiến để kéo dài vòng đời của sản phẩm; hơn 30% doanh nghiệp xây dựng quy trình thu hồi tài nguyên.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng chỉ ra, các doanh nghiệp dường như chưa dành nhiều sự quan tâm cho những động lực bên ngoài. Theo đó, dưới 40% doanh nghiệp coi xây dựng hình ảnh thương hiệu là động lực cho kinh tế tuần hoàn và dưới 30% doanh nghiệp cho rằng kinh tế tuần hoàn giúp ích cho việc giữ chân khách hàng.

Đây cũng chính là lý do doanh nghiệp ít chú trọng hơn tới phương pháp thay đổi mô hình kinh doanh. Chỉ có khoảng 17,6% doanh nghiệp lựa chọn phương án cung cấp dịch vụ (ví dụ như cho thuê sản phẩm trọn đời thay vì bán sản phẩm) và 12,5% áp dụng nền tảng chia sẻ.

“Những phương án đổi mới về quy trình và sản phẩm có thể sẽ mang lại kết quả ngay, tuy nhiên nếu chỉ tập trung vào các phương án này, quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn sẽ bị chậm đi đáng kể”, DNV nhận xét.

Bên cạnh đó, một giải pháp có thể đem lại hiệu quả cao nhưng chưa được doanh nghiệp chú trọng khai thác là ứng dụng nền tảng kỹ thuật số để kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, khuyến khích người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn mang tính bền vững. Theo PRO Việt Nam, người tiêu dùng là mắt xích quan trọng và tiên quyết để xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Những chỉ số đo lường hiệu quả và quản lý rủi ro của quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn cũng là yếu tố còn bị xem nhẹ. Chỉ có chưa đến 1/4 doanh nghiệp xác định mức độ tuần hoàn ban đầu trước khi thực hiện các sáng kiến và 26,7% đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.

“Người tiêu dùng ngày càng có những yêu cầu cao về tính bền vững của doanh nghiệp, không chỉ là những lời kêu gọi mà phải minh bạch, dựa trên cơ sở cụ thể”, ông Luca Crisciotti, Giám đốc điều hành về chuỗi cung ứng tại DNV lý giải sự thiếu hụt về đo lường hiệu quả có thể cản trở doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Phạm Sơn

Nguồn: https://theleader.vn/doanh-nghiep-thieu-gi-cho-chien-luoc-kinh-te-tuan-hoan-1631552281147.htm