Về lý thuyết, việc xét nghiệm, truy vết, cách ly và nỗ lực tiêm vắc xin là những giải pháp đúng đắn. Nhưng cho tới thời điểm này, việc bình tĩnh lại giữa chiến dịch “thần tốc”, để nghĩ xa hơn, và hiệu quả hơn, là việc cần thiết.
Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang làm hết sức mình trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, đó là một điều rất rõ. Về lý thuyết, việc xét nghiệm, truy vết, cách ly và nỗ lực tiêm vắc xin là những giải pháp đúng đắn. Nhưng cho tới thời điểm này, việc bình tĩnh lại giữa chiến dịch “thần tốc”, để nghĩ xa hơn, và hiệu quả hơn, là việc cần thiết.
Thách thức truy vết F0
Việc tổ chức xét nghiệm 5 triệu người dân ở TP.HCM như hiện nay, kèm theo sự mong đợi “truy vết F0” vẫn có những bất cập. Xác suất nguy cơ lây nhiễm vẫn có thể xảy ra nếu người dân sơ sót trong nguyên tắc 5K và các quy định phòng dịch theo Chỉ thị số 10 của Thành phố và Chỉ thị 15 của cả nước.
Không những vậy, với việc lúng túng ở một số địa phương trong khâu tổ chức, việc đội ngũ nhân viên y tế đã phải làm việc hết công suất thời gian qua, chúng ta khó đảm bảo được những rủi ro chủ quan, ý chí để cố gắng giải quyết một vấn đề trước mắt bằng việc có thể tạo ra một vấn đề nghiêm trọng hơn, khó mà tiên liệu được hệ quả.
Còn khu vực tôi đang sống, được ban quản lý đi gõ cửa từng nhà yêu cầu mọi người đều phải tập trung để xét nghiệm “toàn thành phố”. Tôi nghe có người rên rỉ vì người già lại bệnh nền rất nặng, đang yên đang lành sao lại bắt đi tụ tập đông người. Tôi lại nghe có anh nhà báo đưa toàn bộ văn bản chỉ đạo của ủy ban thành phố ra hỏi người quản lý chung cư đã đọc chưa mà cứ phải chạy theo chỉ tiêu số lượng người đã xét nghiệm? Lại có người tranh luận là ở Singapore chính phủ người ta đã thôi không đếm ca nhiễm nữa mà chuyển sang sống chung với Covid rồi…
Nhiều gia đình có điều kiện thì ra quyết định rất nhanh: để “đối phó” với sức ép của tổ dân phố, công an khu vực về việc xét nghiệm đại trà này mà không phải chịu nguy cơ lây nhiễm trong đám đông, họ đồng ý trả chi phí cho các bệnh viện lớn để làm xét nghiệm. Mỗi người tốn vài trăm ngàn đồng đến một vài triệu… giấy xét nghiệm có hiệu lực 72 tiếng đồng hồ, nhưng đỡ được bao nhiêu rủi ro. Tôi tự hỏi, những người không có điều kiện, chẳng lẽ cứ phải phó mặc mình có những rủi ro?
Tôi rùng mình, nhớ cái hình ảnh hàng ngàn người tập trung “tiêm vaccine” thần tốc ở nhà thi đấu Phú Thọ. Trách làm sao được, vì đây là việc chưa có tiền lệ… Và cũng phải ghi nhận những nỗ lực của cơ quan chức năng để ngay sau sự cố này, việc tổ chức đã ổn hơn nhiều. Còn lại hệ luỵ của “đám đông nhà thi đấu” này, thì thật khó mà hình dung ra hết. Vậy nên, việc tổ chức xét nghiệm cho 5 triệu người, theo đúng ý chí của nhà quản lý vĩ mô, là một thách thức không nhỏ.
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra:
Vì sao chúng ta không thể sản xuất hoặc nhập khẩu đại trà để bán hoặc phát không các kit xét nghiệm nhanh để người dân tự xét nghiệm tại nhà khi có triệu chứng nghi ngờ? Vì sao chúng ta không thể tổ chức các xe xét nghiệm lưu động test nhanh đến từng khu vực một? Vì sao cứ hễ có một ca “nghi nhiễm” là phong tỏa toàn bộ một cái chợ, một nhà máy, một cộng đồng dân cư, trong khi các ca đã nhiễm mà không có triệu chứng thì sao? Thậm chí có người còn nêu lên Facebook hình ảnh cầu thủ giỏi nhất của đội Croatia là Persi nghi nhiễm và chỉ một mình anh cách ly, còn toàn đội vẫn thi đấu bình thường trong trận tứ kết Euro 2021.
Thách thức vaccine
Ngoài ra việc tiêm vaccine cũng đối mặt nhiều thách thức.
Trong đó, cách thay đổi thứ tự ưu tiên người được tiêm khiến các tầng lớp dân cư có không ít băn khoăn.
Tôi nhận được tin nhắn của một người bạn trẻ là một giảng viên công nghệ. Anh chụp màn hình trao đổi với tổng giám đốc một hãng công nghệ hàng đầu thế giới tại Việt Nam, đang hỏi thăm vì sao toàn bộ dàn chuyên gia nước ngoài của họ chưa có trong danh sách nào để được ưu tiên chích vaccine ngừa, và các kiến nghị gửi đi không có phản hồi. Anh bạn trẻ nói thêm: “Mấy bạn chuyên gia đang cân nhắc việc về nước để được chích ngừa cho cả gia đình, mà vậy không biết chừng nào mới quay lại Việt Nam hoặc thời gian gián đoạn công việc và sinh hoạt trong tối thiểu vài ba tháng, nhiều dự án lớn đang dở dang quá…”.
Tất nhiên, anh bạn trẻ này nói gần xa cũng để thăm dò việc có thể “gửi gắm” thêm nhóm chuyên gia này vào một danh sách nào đó mà tôi có thể tiếp cận được không. Tôi thì tự hỏi, sao thành phố chúng ta lại bỏ quên nhóm chuyên gia trong Doanh nghiệp va FDI – vốn là một nguồn lực quan trọng trong việc đóng góp RGDP của thành phố và rộng hơn là số chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam?
(Cho đến nay, Trung Quốc đã viện trợ vaccine cho Việt nam và ưu tiên của lô vaccine gồm các chuyên gia, công nhân Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, rồi đến những người Việt Nam mà công việc và dịch vụ của họ có liên quan đến Trung Quốc. Không biết Nhật Bản – quốc gia hiện nay hỗ trợ vaccine lớn nhất cho Việt Nam – có yêu cầu các ưu tiên như vậy cho chuyên gia và kỹ sư Nhật tại Việt Nam hay không? Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cũng có vận động vaccine cho Việt Nam, nếu được, chắc cũng có cam kết những ưu tiên như vậy?).
Điều chúng tôi muốn nói là chính những ưu tiên của chính phủ và nhân dân Việt Nam cho những tác nhân – có thể nói là tích cực – trong việc giữ được “mục tiêu thứ hai” trong “mục tiêu kép”: các chuyên gia nước ngoài. Có thể số này không nhiều, vì số đông may ra đã được các nguồn vaccine viện trợ của nước họ (mà họ có đóng thuế) đã “ưu tiên” rồi. Mặc dù “không nhiều” nhưng nếu chúng ta dành một tỉ lệ ưu tiên cho nhóm này thì thật có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, nhất là thành phố HCM – nơi có số đông các chuyên gia này – hơn nữa lại có “thương hiệu”: thành phố nghĩa tình, bao dung…
Một anh bạn, là hiệu trưởng một trường đại học lớn, thì tìm kiếm sự ủng hộ của nhóm bạn bè với chương trình “Tiêm vắc xin 100% cho sinh viên”, vì đây chính là tài sản quan trọng của thành phố. Chúng tôi nhìn nhau, tự hỏi rằng, việc trao tặng các suất “học bổng vắc xin” để bảo vệ thế hệ kế thừa này đâu có khó?
“Hộp cát” Singapore
Quay lại chuyện Singapore. Nước họ giàu có, nhỏ và ít dân nữa. Nên thật ra, không phải kinh nghiệm gì của họ cũng có thể học hỏi được ở nước mình. Do đó, việc Singapore dỡ bỏ phong tỏa lẫn truy vết diện rộng, đồng thời cho phép đi lại không cần cách ly cũng như tập trung đông người, cũng sẽ dừng đếm số ca mắc mới mỗi ngày đã gây không ít bất ngờ cho thế giới.
Nhưng thông điệp nhất quán mà ba vị bộ trưởng quan trọng nhất của đảo quốc này đưa ra thì chúng tôi rất quan tâm. “Tin xấu là dịch Covid-19 sẽ không biến mất, còn tin tốt là chúng ta có thể sống chung với nó”, Bộ trưởng thương mại Singapore Gan Kim Yong, Bộ trưởng tài chính Lawrence Wong và Bộ trưởng y tế Ong Ye Kung đã cùng nêu rõ ý kiến đăng trên tờ Straits Times.
Đúng vậy. Cách đây vài tháng, chúng ta không hề biết chủng virus mới Delta là cái gì. Và cũng không ai biết được rằng, ngày mai, hay tuần sau, hay tháng sau, sẽ lại xuất hiện một biến chủng nào đó nữa. Tuy nhiên chúng ta đều biết là sức khoẻ của nền kinh tế đang yếu đi nhanh chóng, những dân nghèo thành thị đã bắt đầu “tả tơi”.
Đề nghị
Vậy chúng ta nên làm gì? Câu trả lời đúng, lần trước cũng đã có: tập hợp sức mạnh toàn dân. Chỉ cần cho phép, tổng số tiền mà người dân và doanh nghiệp góp vào quỹ vắc xin đã đủ. Mà đã xã hội hóa việc “góp tiền”, sao còn tiếc gì mà không tin tưởng, giao luôn việc “triển khai” cho các tổ chức xã hội?
Chẳng hạn, một bác sĩ giám đốc bệnh viện tư nhân nọ nói với tôi: “Thành phố đến huy động y bác sĩ của bệnh viện để ra các điểm tập trung mà chích vaccine cho người dân chứ không cho phép tổ chức chích trong bệnh viện”. Tôi không hiểu, vì sao nhà nước phải “ôm” luôn việc chích ngừa, vốn là việc mà các cơ sở y tế tuyến phường, xã hay các bệnh viện, phòng khám có thừa chuyên môn để thực hiện. Nếu chọn giải pháp “tin” và “trao quyền” tưởng chừng như rất đơn giản này, thì nguy cơ lây nhiễm chéo trong những cuộc tụ tập đông người (dù với bất kỳ giải thích nào) sẽ có cơ hội giảm thiểu.
Ai cũng nỗ lực chống dịch, đặc biệt là lãnh đạo, và các nhân sự ở tuyến đầu. Chúng tôi vô cùng biết ơn… Và câu hỏi mà ai cũng hỏi nhau: chừng nào mới được mở cửa làm ăn lại, theo một “bình thường mới”? Tôi nghĩ, câu trả lời sẽ có được, khi mà thành phố chọn được một chiến lược “hiệu quả”, tức là nhìn nhận xa hơn về những hệ quả của việc chúng ta đang làm, lựa chọn các ưu tiên cụ thể hơn, dài hạn hơn về khôi phục và phát triển kinh tế. “Chưa chết vì dịch đã chết vì nghèo khó” – câu cảm thán này vang lên đâu đó, nhói lòng lắm.
Một tin vui là thành phố Hồ Chí Minh đã hợp tác với hai nhóm chuyên gia thống kê của Đại học Fulbright Việt Nam và Tech4covid… nghiên cứu và sơ bộ cho ra dự báo cuối tháng 8 này thành phố sẽ cơ bản ngăn được dịch.
Mong là tin vui sẽ thành hiện thực.
Phạm Phú Ngọc Trai, thành viên Ban cố vấn ICED
Nguồn: https://doanhnhan.vn/chong-covid-19-tai-tphcm-suy-nghi-va-kien-nghi-41503.html