Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), kinh tế tuần hoàn về bản chất là một mô hình kinh doanh, có thể áp dụng không giới hạn ngành nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này phải tạo ra đủ giá trị thì doanh nghiệp và các bên liên quan mới có động lực tham gia.
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng ICED
Cuối năm 2020, sau 3 năm được “gọi tên” tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn lần đầu tiên được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Từ đó đến nay, hàng loạt văn bản chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn đã được ban hành, dần định hình các giải pháp giúp Việt Nam xây dựng mô hình này.
Tuy nhiên, do được nhắc tới trong văn bản pháp lý cao nhất là Luật Bảo vệ môi trường 2020, khái niệm kinh tế tuần hoàn bị nhiều bên liên quan, từ doanh nghiệp, tổ chức phát triển cho đến chính quyền các cấp ngộ nhận rằng chỉ liên quan đến câu chuyện của ngành tài nguyên và môi trường, vô tình quên đi bản chất “kinh tế”.
Là Viện trưởng của ICED, cơ quan nghiên cứu chính danh đầu tiên về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân là một trong những chuyên gia thấu hiểu rõ nhất bản chất, hàm ý cũng như những cơ hội mà kinh tế tuần hoàn có thể đem lại.
Chính vì vậy, tại nhiều sự kiện, ông Quân luôn nhấn mạnh khái niệm “kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh doanh”. TheLEADER đã có buổi trò chuyện với ông Quân để có cái nhìn rõ nét hơn về quan điểm này.
Ông đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm “kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh doanh. Xin ông giải thích rõ hơn quan điểm này?
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân: Trong quá trình nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn, tôi có tiếp cận với rất nhiều định nghĩa cho kinh tế tuần hoàn được đưa ra trên thế giới. Trong đó, định nghĩa nhắc đến bản chất mô hình kinh doanh của kinh tế tuần hoàn được đánh giá rất cao.
Thực tế, khi đưa ra định nghĩa về kinh tế tuần hoàn, các chuyên gia và tổ chức thường nhắc đến yếu tố cấu thành hay nguyên tắc, ví dụ như giảm chất thải, kéo dài vòng đời sản phẩm, tỷ lệ áp dụng, quy mô áp dụng…
Tuy nhiên, mọi người thường quên mất những vấn đề như các bên liên quan là ai, giá trị tạo ra như thế nào, chi phí tham gia, các dòng lưu chuyển vật chất diễn ra thế nào… Những yếu tố này thuộc về mô hình kinh doanh, do đó tôi thường nhấn mạnh “mô hình kinh doanh” khi định nghĩa kinh tế tuần hoàn.
Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh doanh nên có thể áp dụng cho mọi ngành nghề, lĩnh vực? Vậy tại sao hiện nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào sân chơi này, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân: Bản chất là một mô hình kinh doanh nên đúng là doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia vào kinh tế tuần hoàn, bất kể đang hoạt động trong ngành nghề, lĩnh vực nào, hay ở mắt xích nào trong chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này phải phù hợp và đủ sức hút để doanh nghiệp quan tâm thì doanh nghiệp mới đầu tư. Doanh nghiệp cũng đang có mô hình kinh doanh riêng, có thể nó chưa bền vững nhưng nó vẫn chạy tốt, vẫn tạo ra lợi nhuận nên doanh nghiệp cảm thấy chưa cần thiết phải thay đổi.
Cũng có trường hợp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, muốn thay đổi nhưng lại đang quá bận rộn với mô hình kinh doanh hiện tại. Họ không biết bắt đầu từ đâu, cũng chưa đủ điều kiện và khả năng để áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Bởi không phải nói tuần hoàn là tuần hoàn ngay được. Bắt tay xây dựng một mô hình kinh doanh mới cần phải có nghiên cứu, có đầu tư về thời gian, tiền bạc, con người. Bên cạnh đó, để mô hình kinh doanh đi vào thực tiễn thì còn phải tính đến rất nhiều yếu tố phát sinh.
Mô hình bán điện thoại “thu cũ đổi mới” phát sinh nhiều vấn đề khi áp dụng trong thực tế.
Tôi lấy ví dụ như giải pháp đang được một số đơn vị bán lẻ điện máy áp dụng là “thu cũ đổi mới”. Khách hàng muốn đổi máy điện thoại có thể gửi chiếc điện thoại cũ cho cửa hàng để nhận lại mức giảm giá cho chiếc điện thoại mới mua. Một số quốc gia triển khai mô hình này theo cách “cho thuê”, tức là thay vì bán điện thoại thì người ta cho khách hàng thuê chiếc điện thoại đó, đến khi không dùng nữa thì trả lại và nhận về tiền đặt cọc.
Mô hình này khả thi vì tạo ra một vòng tuần hoàn cho chiếc điện thoại. Vừa giảm rác thải điện tử ra môi trường, vừa có thể tiết kiệm tài nguyên thông qua tái sản xuất.
Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình này, điều đầu tiên phải tính đến là thu được điện thoại về rồi thì có đủ năng lực để tái chế, tái sản xuất hay không? Giả sử tôi thu được vài chiếc mỗi tháng, rồi lại phải gửi về nhà máy ở xa để xử lý thì lấy đâu ra lợi nhuận để tôi áp dụng?
Rồi sau đó là vấn đề về bảo mật. Người tiêu dùng có thể lo ngại những thông tin trong máy bị lộ ra bên ngoài. Lúc này, nhà sản xuất phải đứng ra cam kết sẽ xóa hoàn toàn, không thể phục hồi lại được các thông tin trong máy điện thoại cũ.
Qua ví dụ nhỏ này, chúng ta thấy được là một mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn, nếu muốn áp dụng được phải cân nhắc đến rất nhiều yếu tố, từ chi phí, năng lực cho đến tính bảo mật. Những yếu tố này lại còn phụ thuộc vào điều kiện của mỗi địa phương, mỗi quốc gia chứ không phải nơi nào cũng giống nơi nào.
Khi kinh doanh, doanh nghiệp luôn mong muốn có lợi nhuận. Vậy có phải kinh tế tuần hoàn phải tạo ra lợi nhuận thì mới thu hút được doanh nghiệp?
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân: Tôi không dùng từ lợi nhuận mà dùng từ giá trị. Giá trị bao hàm cả lợi nhuận là cái có thể cân đo đong đếm được, cũng bao hàm nhiều yếu tố khác, cả những số hạng chúng ta đã vô tình bỏ quên trong bài toán chi phí.
Lấy ví dụ như ngành trồng trọt. Chúng ta áp dụng kinh tế tuần hoàn thì tiết kiệm được đất, nước, không gây ra ô nhiễm, không gây hại cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên những lợi ích đấy đâu có được lượng hóa?
Vì vậy mới có chuyện doanh nghiệp khi áp dụng kinh tế tuần hoàn lại thấy không đủ lợi nhuận. Từ lâu họ đã quen với việc không chi trả cho những giá trị vô hình kể trên rồi. Đơn cử như xuất khẩu lúa, có ai tính ra để sản xuất lúa đã phải tiêu tốn hết bao nhiêu nước đâu. Nói cách khác là ta đang bán nguồn nước sạch với giá “rẻ như cho”.
Điều này tạo ra nghịch lý, những sản phẩm được sản xuất theo phương thức cũ, kém bền vững lại bán với giá rẻ, còn sản phẩm sạch, hữu cơ thì giá phải cao. Nên sản phẩm sạch nhiều khi rất khó cạnh tranh.
Tôi có thể khẳng định, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh doanh tạo ra đa giá trị. Nhiệm vụ của tất cả chúng ta, từ bộ máy nhà nước cho đến các đơn vị nghiên cứu, các tổ chức tư nhân, là phải làm sao chuyển hóa giá trị đó thành lợi ích thiết thực, từ đó khuyến khích và thu hút doanh nghiệp tham gia.
Bản chất đa ngành, đa giá trị nhưng kinh tế tuần hoàn lại hầu như chỉ đang nhìn nhận dưới góc độ ngành tài nguyên môi trường?
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân: Kinh tế tuần hoàn được đề cập trong văn bản pháp lý mạnh nhất là Luật Bảo vệ môi trường 2020. Vì vậy, một số bên liên quan vẫn nhìn kinh tế tuần hoàn dưới góc độ của ngành tài nguyên môi trường, tức là xoay quanh tái chế và tái sử dụng. Tuy nhiên, việc triển khai kinh tế tuần hoàn thực ra rất đa dạng.
Ví dụ như gần đây chúng ta có Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn quốc gia, do Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ. Hay các bộ, ngành khác cũng có những chương trình như Chiến lược sản xuất và tiêu dùng bền vững, quy hoạch năng lượng của Bộ Công thương; chính sách về tài chính xanh của Bộ Tài chính… Tất cả đều đâu đó có liên quan và có các công cụ liên quan đến kinh tế tuần hoàn.
Từ đó, có thể thấy bộ máy nhà nước của chúng ta đã định hình tư duy đa ngành, đa lĩnh vực trong triển khai kinh tế tuần hoàn.
Liệu chúng ta có cần một luật riêng về kinh tế tuần hoàn, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân: Viện ICED nhìn chung rất chia sẻ quan điểm với các chuyên gia là cần một luật riêng về kinh tế tuần hoàn.
Bởi lẽ, như tôi đã nói, kinh tế tuần hoàn là vấn đề đa ngành, đa lĩnh vực, không thể chỉ dừng lại ở phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và môi trường. Ví dụ, đối với chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn áp dụng cho ngành nông nghiệp. Vấn đề về đất đai, nguồn nước phải do Bộ Tài nguyên và môi trường phụ trách, vấn đề canh tác ra sao lại thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Rồi các khâu tiêu thụ, nguồn tài chính lại phải nhờ đến Bộ Công thương, Bộ Tài chính…
Một vấn đề khác cần phải nhắc đến là kinh tế tuần hoàn đem lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả đất nước và cộng đồng. Đã có lợi ích lan tỏa như vậy, tại sao kinh tế tuần hoàn lại phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp?
Thực tế trên đặt ra vấn đề là cần phải có cơ chế để Nhà nước cũng tham gia vào kinh tế tuần hoàn, có thể là dưới hình thức hợp tác công tư (PPP) hoặc một số cách thức khác. Chứ riêng doanh nghiệp không thể đủ nguồn lực, đặc biệt đối với tình hình của Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp.
Cơ chế chính sách, khung pháp lý của Việt Nam vẫn thiếu nhiều điều liên quan đến kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, có một điều phải khẳng định là kinh tế tuần hoàn vẫn đang được một số doanh nghiệp xây dựng dựa trên những nguyên tắc có sẵn. Một số doanh nghiệp rất thành công trong mô hình kinh tế tuần hoàn, có thể kế đến như Heineken hay Vinamilk.
Đây chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như chưa đủ sức làm kinh tế tuần hoàn, lại vấp phải các rào cản pháp lý. Nếu có chính sách mạnh hơn, có luật riêng nữa thì chắc chắn chúng ta sẽ thúc đẩy được mạnh mẽ quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp.
Điều gì cần lưu ý khi xây dựng luật về kinh tế tuần hoàn?
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân: Xây dựng luật hay văn bản pháp lý đều phải cẩn trọng, tránh tạo ra “tác dụng ngược”. Vì ảnh hưởng của luật lớn lắm, không cẩn thận là trở thành con dao 2 lưỡi ngay.
Theo kinh nghiệm của tôi, có một số chính sách, văn bản pháp lý khi được ban hành chỉ có tác dụng rất nhỏ, không xứng tầm, thậm chí còn tạo rào cản, vướng mắc cho những hoạt động thực tiễn.
Vừa rồi Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có một yếu tố khá hay là cơ chế hộp cát (sandbox). Cơ chế này giúp cho cơ quan các cấp từ cấp bộ trở xuống có một “vòng an toàn” để thí điểm những giải pháp, công nghệ. Từ đó, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, nhiều yêu cầu thực tiễn để ứng dụng vào quá trình sửa đổi, xây dựng chính sách và pháp luật.
Nói chung, làm luật rất khó. Làm về kinh tế tuần hoàn lại càng khó vì đây là vấn đề đa ngành, đa lĩnh vực. Nếu chỉ đưa ra và thực hiện vài tiêu chí thì cỗ máy kinh tế tuần hoàn khó có thể vận hành được vì không tạo ra đủ giá trị.
Tuy nhiên, nói khó không phải để chúng ta bỏ qua, mà để chúng ta phải nghiêm túc hơn nữa. Hiện tại, đề xuất xây dựng luật riêng cho kinh tế tuần hoàn mới chỉ là những ý tưởng ban đầu của các chuyên gia. Cần phải có cơ quan khởi xướng để có nghiên cứu và đề xuất chính thức.
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!