Phát biểu tại Hội nghị triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vào sáng 30/3, PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐHQG-HCM, đã có những phân tích sâu sắc về việc phát triển nguồn nhân lực và vận dụng mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển của tỉnh. Website Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, ĐHQG-HCM xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả phần trích lược bài phát biểu này.

PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu tại hội nghị.

Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Việc hoàn thành quy hoạch tỉnh là một cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh từ nay đến năm 2045.

Trong chiến lược đó, tôi cho rằng nhân lực sẽ là điểm tựa và khoa học công nghệ sẽ là đòn bẩy để Bà Rịa – Vũng Tàu đạt những mục tiêu đầy tham vọng nhưng cũng hết sức thực tiễn: đến năm 2030, là thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu cả nước. Đến năm 2050, trở thành trung tâm công nghiệp vùng Đông Nam bộ; trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.

Như chúng ta đã biết, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng xác định là một trong ba đột phá chiến lược nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

ĐHQG-HCM là một trong hai đại học quốc gia hàng đầu tại Việt Nam, với sứ mạng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững, thúc đẩy tiến bộ xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược quốc gia và nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước. Quy mô gần 100 ngàn sinh viên, 6 ngàn thầy cô giáo.

Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ đã chỉ ra một số hạn chế của vùng trong đó có chất lượng nguồn nhân lực và việc ứng dụng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghị quyết cũng yêu cầu phát triển ĐHQG-HCM trong nhóm các đại học hàng đầu của châu Á. Năm 2021, 1 chương trình; năm 2024 có 11 chương trình đào tạo trong top hàng đầu của thế giới.

ĐHQG-HCM đã ký kết hợp tác chiến lược với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào tháng 2/2022. Mỗi năm có khoảng 2.500-3.000 con em của tỉnh nhà thi đậu và theo học tại ĐHQG-HCM. Trong 10 năm qua, ĐHQG đã đào tạo hơn hơn 25000 cử nhân, kỹ sư, bác sĩ  cho tỉnh. ĐHQG-HCM lập tổ công tác tham gia tư vấn phản biện cho Quy hoạch của tỉnh; tham gia tư vấn cho mô hình kinh tế tuần hoàn của Côn Đảo. ĐHQG-HCM cam kết với các nhà đầu tư về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực khi quyết định đầu tư vào tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Năm 2023, ĐHQG-HCM đã triển khai công tác khảo sát và đánh giá nhu cầu tuyển dụng của đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn 4 tỉnh Đông Nam bộ, trong đó có tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tôi xin thông tin một số kết quả của khảo sát tại tỉnh vào năm 2023. Trên cơ sở đó, tỉnh có thể hoạch định các chính sách phát triển nguồn nhân lực giai đoạn tới, thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.

Mục tiêu khảo sát nhằm: Xác định thực trạng nhu cầu tuyển dụng lao động, đánh giá mức độ đáp ứng của người lao động đối với yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động; từ đó, cung cấp thông tin tham khảo cho công tác phát triển đào tạo và quy hoạch ngành đào tạo trình độ đại học và sau đại học.

Đối tượng và mẫu khảo sát: thực hiện khảo sát tại 127 doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Kết quả khảo sát cho thấy:

Điểm mạnh của tỉnh hiện nay là thu hút tốt nhân sự khối ngành kỹ thuật công nghệ và nhu cầu tuyển dụng ngành này vẫn được tiếp tục ưu tiên trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, hạn chế là chưa thu hút được nhân lực lĩnh vực du lịch dịch vụ. Điều này cho thấy số lượng và chất lượng đào tạo ngành du lịch chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Về chế độ lương, thu nhập: Còn khoảng cách rất lớn giữa khối cơ quan hành chính sự nghiệp công với khối doanh nghiệp, nên khó thu hút nhân lực để nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Các đơn vị sử dụng lao động tại tỉnh ưu tiên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học của ĐHQG-HCM, cao nhất là Trường ĐH Bách khoa, tiếp đến là Trường ĐH Kinh tế – Luật và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.

Ngoài ra, nhu cầu tuyển dụng nhân sự tại Bà Rịa – Vũng Tàu trong 3 năm tới (2023-2025) giảm 32,7% so với 3 năm qua.

Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi mong rằng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ có được thông tin cần thiết, dự báo nhu cầu tuyển dụng các lĩnh vực. Trong đó, việc đào tạo sau đại học và đào tạo nguồn nhân lực cấp cao cho xã hội (đặc biệt trong lĩnh vực Máy tính – Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật) của tỉnh cần được tăng cường.

Chuyển dịch sang kinh tế xanh để tạo thêm lợi thế cạnh tranh

Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đối mặt với các thách thức cạnh tranh cả trong và ngoài nước nên tỉnh cần chuyển dịch sang kinh tế xanh nhằm tạo thêm lợi thế cạnh tranh. Các chương trình giáo dục xanh nhằm đáp ứng cho sự chuyển dịch này hiện vẫn chưa có.

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về nền kinh tế xanh vẫn còn hạn chế và cần được nâng cao. Chính vì vậy việc phát triển các chương trình giáo dục xanh và công nghệ tiên tiến là rất cần thiết để có thể đảm bảo nguồn nhân lực cho việc chuyển đổi kinh tế. Do đó, địa phương cần chú trọng đào tạo nhân lực, thu hút nhân tài trong các lĩnh vực này.

Và về lâu dài, ĐHQG-HCM có thể phối hợp với tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở những lĩnh vực ưu tiên phát triển; tham gia đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, người dân đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược của tỉnh.

Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững

Ngoài nội dung về phát triển nguồn nhân lực, với những tiềm năng và lợi thế của tỉnh nhà, để đảm bảo phát triển bền vững kinh tế, xã hội; tránh các hậu quả tiêu cực cho môi trường, chúng tôi khuyến nghị tỉnh áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh trong một số các lĩnh vực, hoạt động trọng điểm. Cụ thể:

Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào hệ thống cảng biển, logistics bao gồm: (1) Thúc đẩy đổi mới bằng cách thu hút các sáng kiến tuần hoàn cho khu vực; (2) Phân loại và tái chế trong tất cả các mắt xích của chuỗi giá trị (3) Sự cộng sinh công nghiệp với sự trao đổi dòng chảy và sản phẩm dư thừa giữa các công ty cảng; (4) Khai thác CO2 để tái sử dụng trong ngành công nghiệp hướng tới mục tiêu trung hoà carbon.

Mô hình kinh tế tuần hoàn cũng cần gắn với phát triển du lịch và nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản góp phần nâng cao các giá trị văn hóa lịch sử, bảo vệ, bảo tồn điều kiện môi trường tự nhiên đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh, gia tăng giá trị đóng góp kinh tế cho địa phương.

Hiện nay, ĐHQG-HCM đang tư vấn giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn cho Côn Đảo, giúp phát huy các thế mạnh của hòn đảo này, đồng thời đảm bảo được mối quan hệ hài hòa giữa môi trường sinh thái và phát triển kinh tế.

PGS.TS VŨ HẢI QUÂN – GIÁM ĐỐC ĐHQG-HCM